MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bật mí phương pháp “dao bổ thép” ở làng rèn Đa Sỹ

Nguyễn Thúy LDO | 10/01/2023 10:15

Làng rèn Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”.

Đỏ lửa xuyên đêm dịp Tết

Những ngày cuối năm, người thợ ở làng rèn nổi tiếng miền Bắc đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp nhất để phục vụ thị trường Tết.

Làng rèn Đa Sỹ tất bật làm ra những con dao, cái kéo phục vụ nhu cầu người dân sử dụng trong dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Gia đình của ông Hữu Hiền (55 tuổi) những ngày này phải dậy làm việc từ lúc 5h sáng để làm việc.

 “Tết đến, dao là mặt hàng bán chạy hơn cả. Năm nay, khách hàng đặt hàng trăm con dao nhưng hai vợ chồng vẫn làm không kịp. Trung bình ngày làm từ sáng sớm đến tối cũng chỉ làm ra được khoảng 15 con dao, giá bán từ khoảng 30.000 – 200.000 đồng/chiếc, tùy loại”, ông Hiền nói.

Sắt thép sau khi được cắt thành các mảng miếng thì sẽ được cho vào lò tôi đốt. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tương tự, tại hộ sản xuất của gia đình của ông Mai Ngọc Thắng, công suất cũng phải tăng lên gấp 3 lần ngày thường. Thế nhưng, hàng làm đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy. Thậm chí khách đặt mua cũng phải chờ mới có.

“Những ngày giáp Tết tất bật lắm, có ngày làm hàng trăm con dao cho khách mà vẫn không kịp. Các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn”, ông Thắng cho biết.

Người thợ rèn trong trang phục bảo hộ kín mít, khẩn trương hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Bật mí phương pháp “dao bổ thép”

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ nổi tiếng bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”.

Rất nhiều lần, các lưỡi dao được đưa vào tôi luyện trong lò than để tạo độ cứng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo người dân trong làng, nguyên liệu chính tạo nên những con dao, chiếc kéo là đều được nhập phôi từ nhíp xe ôtô thải. Loại thép này có độ cứng cao, không dễ sứt mẻ, ít bị ăn mòn và giá thành rẻ.

Công đoạn đầu tiên để tạo ra các con dao, kéo là cắt phôi rồi cho vào lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C.

 Từng công đoạn được thực hiện tỉ mỉ. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Phôi thép nung đến khi chuyển sang màu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai, việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác.

Hai người thợ sẽ dùng búa để dàn mỏng tạo hình sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Sau khi thành hình, những con dao, kéo sẽ được mài nước, gạt màu, đánh bóng… để mang bán cho người dân có nhu cầu sử dụng.

Mài lưỡi dao là công đoạn cuối cùng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Là một trong những người có tay nghề tinh xảo ở làng Đa Sỹ, ông Nguyễn Văn Mộc (70 tuổi) cho biết, phương pháp bổ đôi sắt và đưa thép vào rèn sẽ giúp cho dụng cụ có được độ sắc bén hơn.

“Ban đầu, dùng một tấm sắt để làm dao như thông thường. Sau đó, tách đôi tấm sắt mỏng và cho vào giữa một lưỡi thép đặc biệt. Tùy vào công dụng của dao chặt, thái, băm mà sử dụng loại thép phù hợp. Vỏ sắt và lòng thép được đưa vào lò nung nóng cho quện với nhau rồi tiếp tục mang ra rèn. Cuối cùng mới là khâu mài, tra cán”, ông Mộc tiết lộ.

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Ảnh: Nguyễn Thúy

Hiện nay, sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ đa dạng, phong phú về kiểu dáng, chủng loại. Từ các vật dụng nông nghiệp như liềm, cuốc, cày, bừa… đến các chi tiết máy phục vụ sản xuất công nghiệp búa, đục, kéo…

Thương lái khắp miền tìm về tận Đa Sỹ để mua hàng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Đặc biệt là những loại dao chặt, dao bổ... Hầu hết các mặt hàng này đều hiện diện ở khắp mọi nơi từ Bắc chí Nam, thậm chí còn xuất khẩu đi nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn