MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức lãi suất huy động cao nhất 8% gần như biến mất khỏi thị trường là một yếu tố khiến tiền gửi vào ngân hàng giảm tốc (ảnh chụp chiều ngày 25.7). Ảnh: Lam Duy

Bất ngờ với 94.000 tỉ đồng đột biến đổ vào ngân hàng

Lam Duy LDO | 27/07/2023 06:35

Có đến 94.000 tỉ đồng đổ thêm vào kênh tiền gửi ngân hàng trong tháng 5.2023 đến từ nhóm khách hàng liên tục rút tiền ra trong suốt 4 tháng đầu năm 2023.

Số liệu mới nhất về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trên website chính thức tối ngày 26.7 đặc biệt gây nhiều chú ý về biến động lượng tiền gửi của khách hàng.

Các dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nối tiếp mạch tăng liên tục trong 4 tháng trước đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng thêm hơn 46.700 tỉ đồng so với tháng 4.2023, lên hơn 14,51 triệu tỉ đồng.

Dù vẫn giữ đà tăng so với các tháng trước đó trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán có dấu hiệu chậm lại.

Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thêm trên dưới 50.000 tỉ đồng, trong khi tổng phương tiện thanh toán tháng 3.2023 tăng thêm tới hơn 143.000 tỉ đồng so với tháng trước.

Đối với số dư tiền gửi của khách hàng, tổng số dư tiền gửi của khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng có dấu hiệu tăng chậm lại.

Cụ thể trong tháng 5, tổng số dư tiền gửi của dân cư chỉ tăng thêm 15.000 tỉ đồng so với tháng trước đó. Trong khi tháng 4 tăng hơn 52.000 tỉ đồng và đỉnh điểm là tháng 2-3 tăng tới 100.000-136.000 tỉ đồng so với tháng liền kề trước đó.

Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp chứng kiến dấu hiệu giảm tốc rõ rệt của tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư vào ngân hàng, đặc biệt sau giai đoạn tăng tốc rất mạnh thời điểm hai tháng đầu năm 2023 khi lãi suất tiền gửi tại ngân hàng có thời điểm vượt ngưỡng 10%/năm.

Gây nhiều chú ý nhất chính là sự hồi phục đầy bất ngờ mang tính đảo chiều đột biến của dòng tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp vào ngân hàng.

Cụ thể chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế liên tiếp sụt giảm mạnh chưa từng thấy với lượng tiền gửi vào cuối tháng 4 giảm tới gần 300.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022, xuống chỉ còn 5,65 triệu tỉ đồng.

Lần đầu tiên sau nhiều tháng tăng giảm trái chiều, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại các ngân hàng cùng lúc đi lên. Ảnh: Chụp màn hình

Bước sang tháng 5, dấu hiệu đảo chiều tích cực xuất hiện khi lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đổ vào ngân hàng bất ngờ tăng thêm 94.000 tỉ đồng, đưa tổng tiền gửi của nhóm khách hàng này lên con số gần 5,75 triệu tỉ đồng.

Dẫu vậy theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tiền gửi các tổ chức kinh tế tại ngân hàng vào cuối tháng 5 vẫn giảm tới 3,45% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, dù liên tục có dấu hiệu hạ nhiệt tăng trưởng trong 2 tháng gần đây, lượng tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư vào các ngân hàng vẫn tăng mạnh tới 8,21% so với thời điểm cuối năm 2022.

Như Lao Động phản ánh, sự dịch chuyển một lượng lớn tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp ra khỏi ngân hàng (đặc biệt trong 2 tháng đầu năm) một phần bắt nguồn từ nhu cầu rút tiền thanh toán các khoản lương thưởng và phục vụ chi tiêu trong cao điểm Tết Nguyên đán.

Sau giai đoạn này, tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất gặp nhiều trở ngại được cho là một nguyên nhân lớn khiến tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng tiếp tục sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, dấu hiệu sản xuất kinh doanh dần hồi phục thời gian gần đây và dòng tiền đang quay vòng trở lại doanh nghiệp có thể lý giải phần nào cho nguồn tiền đột biến quay về kênh tiền gửi ngân hàng.

Đối với nhóm khách hàng dân cư, mặt bằng lãi suất huy động liên tục sụt giảm gần đây với mức lãi suất huy động cao nhất 9-10%/năm biến mất và mức 8%/năm hiện cũng dần biến mất khỏi thị trường khiến kênh gửi tiền ngân hàng không còn nhiều hấp dẫn như trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn