MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bay ngay hàng tấn nông sản nhờ livestream

Đức Mạnh LDO | 01/06/2023 06:20

Bán nông sản thông qua video và livestream trên mạng xã hội sẽ tạo ra cảm hứng cho người mua, khiến họ nhanh chóng "chốt đơn" hơn mua sắm trực tiếp.

Cơn sốt măng cụt xanh và mãng cầu

Trước cơn sốt măng cụt xanh và mãng cầu đã có nhiều loại nông sản, đặc sản vùng miền khác trở thành xu hướng. Ảnh: Đức Mạnh 

Lướt mạng xã hội thấy món gỏi gà măng cụt đang "hot trend", chị Minh Thu (Long Biên, Hà Nội) tìm mọi cách để mua được loại quả mà trước nay chỉ ăn khi đã chín này. Sau khi dạo quanh khắp các chợ không có, chị Thu đặt mua măng cụt xanh trên Tik Tok với giá chỉ 65.000 đồng/kg.

"Hàng giao nhanh chỉ trong một ngày là có. Trước đây tôi vẫn chọn mua hoa quả qua mạng xã hội vì công việc bận không có thời gian để đi chợ mỗi ngày. Nhược điểm là đôi khi vẫn bị một vài quả hỏng nhưng nhìn chung vẫn tiện lợi" - chị Thu chia sẻ.

Không riêng măng cụt mà mãng cầu cũng được nhiều người săn đón khi đồ uống trà mãng cầu phủ sóng trên nhiều nền tảng. Các tiểu thương tận dụng cơ hội để đẩy sản phẩm lên kênh số với mức giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều nơi còn "hét giá" lên tới 70.000 đồng/kg mà vẫn có rất nhiều lượt bình luận đặt hàng.

Thực tế trước cơn sốt măng cụt xanh và mãng cầu đã có nhiều loại nông sản, đặc sản vùng miền khác cũng lên xu hướng như thịt lợn, thịt trâu gác bếp, gà ủ muối, thịt chua, củ sâm đất... Động lực thúc đẩy chính tới từ các video, bài nhận xét trên Tik Tok và các mạng xã hội khác. Không những thế, nhóm ngành đồ ăn, thức uống (F&B) còn có lợi thế lớn là rất dễ tiếp cận người dùng, tạo cảm xúc cho người xem, từ đó kích thích họ mua hàng.

Hiệu quả của chốt đơn qua livestream

Phát trực tiếp (livestream) để bán nông sản là xu hướng phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới và hiện đã bắt đầu phát triển tại một số địa phương ở Việt Nam. Chính tay người nông dân trực tiếp sản xuất livestream, từ đó tăng lượng chốt đơn và cải thiện doanh số.

Tiêu biểu là buổi livestream bán cam bóc Phủ Quỳ (một loại nông sản của Nghệ An) của trang Tik Tok Anh Nông Dân đã đạt hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác, hơn 3.000 lượt bình luận. Từ đó giúp nông dân Quỳ Hợp tiêu thụ 72 tấn cam chỉ trong một buổi sáng.

Hay với Nông Cẩm Quỳnh (kênh Tik Tok về nông sản dược liệu vùng cao), cô đã đầu tư cho căn phòng nhỏ với đầy đủ trang thiết bị như đèn led, thiết bị ghi hình, microphone, giá đỡ điện thoại… Mỗi ngày cô gái người Nùng chăm chỉ livestream khoảng 2 - 3 lần giới thiệu các mặt hàng nông sản như măng rừng, chè, thịt trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, sâm đất…

Các chuyên gia đánh giá việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu. Từ đó góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng thông thường một xu hướng tồn tại từ 1 - 3 tháng. Nếu sản phẩm tốt có thể kéo dài 6 tháng nên người kinh doanh cần nắm bắt quy luật để cân đối hàng hóa, đặc biệt khi nông sản còn có tính đặc thù. Khi phát hiện hàng hóa vào trend thì tập trung nguồn lực để kinh doanh sản phẩm đó rồi chủ động chuyển đổi sang mặt hàng khác khi thị trường chuẩn bị bão hoà.         


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn