MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

Bê bối Khải Silk: Không nên linh động, sự linh động sẽ gây ra tiêu cực

Nguyễn Hà - Phạm Dung LDO | 03/11/2017 18:30

Bình luận về vụ bê bối cũng như vấn nạn hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay, ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng cần phải rõ ràng trong việc xử lý, luật pháp thế nào thì cứ thế mà làm chứ không nên có linh động. Linh động sẽ gây ra tiêu cực.

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam khẳng định, vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một tệ nạn, người ta làm giả bằng cách mua hàng kém chất lượng từ nước ngoài vào rồi dập nhãn mác Việt Nam và bán lại theo giá cao. Đây là vấn đề rất đau đầu với các doanh nghiệp, xử lý rất nhiều năm mà tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trường hợp của Khaisilk trong bối cảnh làm giả, làm nhái đã gây ra thiệt hại rất nhiều, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của chúng ta với bạn bè thế giới. Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng nghiêm cấm hành động này. Đây không chỉ là vấn đề của một thương hiệu, một doanh nghiệp mà là vấn đề của cả nền công nghiệp, cả nền kinh tế.

Thực tế hiện nay, chúng ta phải thấy rằng không có mặt hàng nào lại không bị làm giả, làm nhái từ bia rượu, nước giải khát, quần áo, mỹ phẩm, đồ điện tử… thậm chí đến cả tiền cũng bị làm giả. Ở đây không phải chỉ có 1 mà ở có đến 7 lực lượng "tham chiến", bao gồm cả công an, quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ, thanh tra bảo vệ thực vật, lực lượng hải quan, lực lượng trên biển, biên giới, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thì thật đáng tiếc.

"Điều này cho thấy chất lượng của các lực lượng thực thi có vấn đề, Nhà nước nên xem xét, chấn chỉnh lại các tổ chức này sao cho làm việc hợp lý, hiệu quả và tìm hiểu nguyên nhân xem lại sao lại như thế, có hiện tượng bảo kê hay không, có hiện tượng ăn tiền đút lót hay không đều phải làm rõ. Cần phải thanh lọc nội bộ trong sạch hơn để đảm bảo công việc hiệu quả” – ông Lê Thế Bảo phân tích.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, chúng ta có những thành tựu nhất định trong cả công nghiệp, nông nghiệp, nhưng xây dựng thương hiệu là một vấn đề rất quan trọng bởi nó bao hàm cả bộ mặt, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và thế giới. “Chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp phải đăng ký thương hiệu để Nhà nước bảo vệ nhưng điều đó không được nhiều doanh nghiệp ủng hộ, việc đóng góp vào công cuộc xây dựng thương hiệu của Việt Nam là việc nói nhiều làm ít”.

“Luật pháp cũng phải rõ ràng, đôi khi luật pháp có đấy nhưng liệu rằng cấp trên chỉ đạo thì cấp dưới có làm khác được không? Cho nên tôi cho rằng phải rõ ràng trong việc này, luật pháp thế nào thì cứ thế mà làm chứ không nên có linh động. Linh động sẽ gây ra tiêu cực” – ông Bảo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn