MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VN-Index sẽ "chọc thủng" mốc 1.200 điểm trong năm Tân Sửu. Ảnh minh họa: H.Minh

“Bệ phóng” cho VN-Index năm Tân Sửu

Minh An LDO | 14/02/2021 14:47

Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng vững vàng. Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực từ 2021. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) được hình thành và bắt đầu sự chuẩn bị cho kế hoạch phân định lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hơn… Các yếu tố trên được kỳ vọng sẽ trở thành “bệ phóng” cho VN-Index trong năm Tân Sửu.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết thúc năm 2020, VN-Index đạt mức tăng trưởng 12,3% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỉ đồng/phiên.

Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2020, thanh khoản đều đạt từ 10.000 tỉ đến 15.000 tỉ/phiên, cao gấp đôi so với trung bình phiên năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 82,2% GDP năm 2020.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 384 nghìn tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

VN-Index sẽ chọc thủng mốc 1.200 điểm năm Tân Sửu

Mặc dù vào cuối năm 2020 và tháng 1.2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một số phiên điều chỉnh lịch sử sau khi đón nhận các thông tin về làn sóng COVID thứ 3, nhưng giới phân tích vẫn duy trì các dự báo lạc quan trong năm 2021. Nhiều công ty chứng khoán như Phú Hưng, Maybank Kim Eng, VNDirect đều cho rằng VN-Index sẽ chọc thủng mốc 1.200 điểm trong năm nay.

Tại báo cáo chiến lược năm 2021, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định VN-Index có thể đạt 1.250 điểm vào cuối năm 2021, tăng 13% so mức cuối năm 2020 là 1.104 điểm; VN-Index kết năm 2022 là 1.400 điểm.

Dự báo VN-Index năm 2021 của VCSC tương ứng với P/E trượt là 16,9 lần dựa theo EPS 2021 là 16,0 lần - (EPS dự báo chung của Bloomberg là 16 lần) và P/E dự phóng 12 tháng tính đến cuối năm 2021 là 13,9 lần.

“Bệ phóng” cho thị trường trong năm mới

Theo VCSC, yếu tố chính hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tăng điểm vẫn là lợi nhuận của doanh nghiệp vượt mức dự báo, tỷ lệ P/E tăng mạnh và các chính sách hỗ trợ tích cực.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỉ lệ rất cao trong năm COVID – 19 (2020) so với các khu vực khác của nền kinh tế.

Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1.1.2021 và các văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực từ 2021 được kỳ vọng tạo ra những cú huých cho cải cách thị trường, dẫn đến tăng nhanh tiến độ việc nâng hạng thị trường lên nhóm thị trường mới nổi.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được hình thành trong năm 2021 theo quyết định của Thủ tướng sẽ bắt đầu sự chuẩn bị cho kế hoạch phân định lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hơn: Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tập trung cho giao dịch cổ phiếu, chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ quỹ; Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tập trung cho giao dịch trái phiếu và phái sinh.

Bên cạnh đó, theo VCSC, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện trở lại, có thể thu hút vốn mới, mở rộng vốn hóa thị trường và tăng thanh khoản. Ngoài ra, việc tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng, nếu thu hút thêm nhiều vốn nước ngoài hơn theo luật PPP mới cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn