MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hoàn thành hơn 90% nhưng tạm dừng hơn 3 năm qua. Ảnh: Minh Quân

Bế tắc trong thanh toán quỹ đất cho 2 dự án BT trùm mền ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 28/03/2024 06:43

TPHCM - Dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng và dự án đoạn 3 thuộc Vành đai 2 TPHCM hơn 2.700 tỉ đồng triển khai theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn bế tắc trong việc xác định quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Dự án ngăn triều mỗi ngày phát sinh lãi 1,7 tỉ đồng

Khởi công giữa năm 2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng) với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Công trình đã hoàn thành hơn 90% nhưng đang tạm dừng thi công.

Trong văn bản gửi Thành ủy TPHCM và UBND TPHCM ngày 11.3 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) cho biết, quá trình thi công dự án đã tạm dừng 3 lần. Trong đó, lần 1 tạm dừng 10 tháng, lần 2 là 8 tháng và lần 3 tạm dừng gần 40 tháng (từ ngày 15.11.2020 đến nay).

Cống ngăn triều Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều của dự án. Ảnh: Minh Quân

Suốt những năm qua, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản kiến nghị thực hiện các thủ tục để thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT đã ký.

Trước đó, UBND TPHCM đã chấp thuận về nguyên tắc chủ trương sử dụng 3 khu đất dự kiến thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, gồm: Khu đất tại Lô C8A - Khu A - Đô thị mới Nam Thành phố rộng 5.500 m2 (Quận 7); khu đất tại 762 Bình Quới rộng 4.298m2 (quận Bình Thạnh) và khu đất 232 Đỗ Xuân Hợp rộng hơn 17.500 m2 (TP Thủ Đức). Tuy nhiên, đến nay, việc làm thủ tục thanh toán quỹ đất vẫn giậm chân tại chỗ.

Phía nhà đầu tư cho rằng,.

vướng mắc cần tháo gỡ chủ yếu từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án nhưng đã quá lâu không giải quyết được.

Việc dự án kéo dài như hiện nay làm chậm phát huy mục tiêu của dự án và gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư, lãi vay phát sinh hàng ngày rất lớn. Theo nhà đầu tư, hiện mỗi ngày dự án phát sinh lãi 1,7 tỉ đồng.

Bên cạnh vấn đề thanh toán quỹ đất, nhà đầu tư kiến nghị UBND thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán khối lượng công trình và giá trị của dự án để thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

2,7 km Vành đai 2 cũng bế tắc thanh toán quỹ đất

Dự án Vành đai 2 đoạn 3 dài hơn 2,7 km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) thi công từ năm 2017, tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 2 năm nhưng tạm dừng thi công từ tháng 3.2020 đến nay, khi đạt gần 44% khối lượng.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư), trong 7 năm qua kể từ khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đã giải ngân đạt 1.474 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay).

Tương ứng với giá trị đó, giá trị lãi vay (tính đến tháng 12.2023), ước tính TPHCM sẽ phải chịu là hơn 813 tỉ đồng. Trung bình mỗi tháng chậm trễ sẽ phát sinh khoảng 14,9 tỉ đồng.

Công trường dự án Vành đai 2 hoang phế nhiều năm, trở thành nơi chăn bò của người dân. Ảnh: Minh Quân

Tháng 1.2024, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2026 (trước từ năm 2015 đến 2023).

Trên cơ sở này, ngày 14.3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã chủ trì cuộc họp nhóm công tác liên ngành với nhà đầu tư để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án. Song cuộc họp vẫn chưa thống nhất được các nội dung để đi đến ký kết phụ lục hợp đồng BT.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, giảm tiền lãi phát sinh, ngày 20.3, nhà đầu tư gửi văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao các khu đất đối ứng thanh toán hợp đồng BT tương ứng với giá trị đã thực hiện được trong quý 3 năm nay.

Trước đó, TPHCM dự kiến quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT có 4 khu: Khu đất tại số 234 Lý Tự Trọng diện tích 642 m2 (Quận 1); khu đất số 582 đường Kinh Dương Vương diện tích 12.240 m2 (Quận Bình Tân); khu đất số 132 đường Đào Duy Từ diện tích hơn 10.618 m2 (Quận 10) và số 12 Kỳ Đồng diện tích đất 940 m2 (Quận 3).

Nhà đầu tư cũng kiến nghị điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trong tháng 4 và điều chỉnh phương án tài chính chậm nhất trong tháng 6.2024.

Đặc biệt nhà đầu tư cũng kiến nghị sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng tại TP Thủ Đức để khởi động lại dự án. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong 18 tháng kể từ ngày được bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn