MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bán buôn nông, lâm sản, Đầu tư Hoàn Kiếm và Thịnh Phát thu chục ngàn tỉ mỗi năm. Ảnh minh họa: LDO.

Bí ẩn các "Siêu công ty" ngàn tỉ: Mới thành lập đã có doanh thu khủng

Tùng Thư LDO | 01/06/2021 17:00

Được thành lập ngày 26.10.2015, chỉ hơn 2 năm sau (2017), Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm đã cán mốc doanh thu 10.968 tỉ đồng - một con số mà ngay cả những doanh nghiệp may mắn cũng phải mất hàng chục năm trên thương trường mới chạm tới. Công ty Đầu tư Hoàn Kiếm là doanh nghiệp kín tiếng trên thương trường, có ngành nghề chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Đầu tư Hoàn Kiếm được sáng lập bởi 3 cá nhân là ông Nguyễn Văn Mạnh (sở hữu 60% vốn), bà Nguyễn Thị Hồng Bưởi (20% vốn) và Đào Minh Chức (20% vốn) với vốn điều lệ 100 tỉ đồng.

Hiện, ông Nguyễn Quang Long (sinh năm 1981) là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Đầu tư Hoàn Kiếm.

Một điểm khá thú vị, đó là Chủ tịch HĐQT của Đầu tư Hoàn Kiếm - ông Nguyễn Quang Long cũng là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Thịnh Phát - một thành viên trong câu lạc bộ “nghìn tỉ” kín tiếng mà Lao Động đã từng đề cập.

Trùng hợp hơn khi Công ty Đầu tư Hoàn Kiếm và Công ty Thịnh Phát đều được thành lập ngày 26.10.2015, cùng có vốn điều lệ 100 tỉ đồng và cùng ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

Sau gần 6 năm thành lập, đến nay, 2 cổ đông sáng lập của Đầu tư Hoàn Kiếm là ông Đào Minh Chức và bà Nguyễn Thị Hồng Bưởi đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại công ty, chỉ còn ông Nguyễn Văn Mạnh vẫn đang sở hữu 60% vốn của Đầu tư Hoàn Kiếm. Công ty có trụ sở chính tại số 12 Trương Hán Siêu, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tìm hiểu sâu hơn, PV Lao Động nhận thấy bức tranh tài chính của Công ty Thịnh Phát và Đầu tư Hoàn Kiếm cũng nhiều điểm tương đồng với doanh thu tăng trưởng phi mã nhưng lợi nhuận khá nhạt nhòa; giá vốn bán hàng cao ngất ngưởng xấp xỉ doanh thu; phần lớn tổng tài sản của doanh nghiệp được cấu thành từ nợ phải trả; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu luôn cheo leo ở mức vài chục lần.

Cụ thể, kết thúc năm 2016 - thời điểm vừa “thôi nôi”, Đầu tư Hoàn Kiếm đã ghi nhận doanh thu tới 1.928 tỉ đồng nhưng giá vốn bán hàng cũng neo ở mức 1.926 tỉ đồng, chiếm 99,89% doanh thu.

Tương tự, giai đoạn 2017-2020, Đầu tư Hoàn Kiếm có doanh thu cao nhất đạt 15.850 tỉ đồng, thấp nhất là 8.533 tỉ đồng nhưng giá vốn bán hàng luôn chiếm trên dưới 99% doanh thu.

Bởi vậy, dù doanh thu chục ngàn tỉ nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp dường như không biến động theo doanh số, vẫn chỉ ở mức 1 đến 5 tỉ đồng (2016-2019). Năm 2020, lãi sau thuế của Đầu tư Hoàn Kiếm tăng lên 25,5 tỉ đồng nhưng không phải từ hiệu quả của hoạt động kinh doanh chính mà nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính. Tình trạng này cũng xảy ra ở Công ty Thịnh Phát - doanh nghiệp kinh doanh nông sản có mối liên hệ với Đầu tư Hoàn Kiếm.

Lý giải về tình trạng giá vốn cao tại 2 doanh nghiệp buôn bán nông sản nói trên, một chuyên gia thuế cho rằng đây là ngành nhạy cảm.

Chia sẻ với PV Lao Động, vị chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho biết, ngành nghề này rất dễ xảy ra tình trạng khai khống giá vốn, khai cao hơn thực tế: “Họ thu mua nông sản của người nông dân như tiêu, điều, thóc lúa… chẳng hạn thì người nông dần thường không xuất được hóa đơn đầu vào”.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Công ty Thịnh Phát "nảy nở" từ 1.585 tỉ đồng năm 2016 lên mức hơn 7.000 tỉ năm 2020. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của Đầu tư Hoàn Kiếm chỉ chiếm hơn 100 tỉ đồng, còn lại cấu thành từ các khoản nợ phải trả.

Kết thúc năm 2020, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Đầu tư Hoàn Kiếm lên đến gần 50 lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn