MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm diêm Thống Nhất sẽ chính thức dừng sản xuất từ năm 2020.

Bí ẩn người thiết kế logo "cánh chim bồ câu trắng" trên bao diêm Thống Nhất

Đặng Chung LDO | 12/12/2019 11:28

Hình ảnh bao diêm Thống Nhất loại 82 que có in hình chim bồ câu trắng ngậm bông hoa đỏ, đang dang rộng cánh trên nền trời xanh đã trở nên rất đỗi quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Nhưng đến nay, ai là người đã thiết kế ra hình ảnh này vẫn là một điều bí ẩn.

Hình ảnh có tính biểu tượng vô giá

Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất đã quyết định sẽ ngừng sản xuất sản phẩm diêm từ năm 2020. Điều này có nghĩa là sản phẩm hộp diêm quẹt Thống Nhất vang bóng một thời sẽ không còn sau 63 năm tồn tại.

Khi nghe thông tin này, nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho biết ông cảm thấy rất đáng tiếc bởi khi nói về lịch sử của các ngành hàng ở Việt Nam, thì lịch sử của Diêm Thống Nhất thú vị hơn cả.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu các thương hiệu Việt một thời vang bóng, ông Tiến khẳng định thời kỳ sau năm 1954, một biểu tượng lớn của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam đó chính là Nhà máy Diêm Thống Nhất.

Ngày đó còn khó khăn, để mua được bao diêm không dễ dàng và người dân phải nuôi lửa bằng cách thắp đèn dầu, vặn rất nhỏ để giữ. Những hộp diêm không chỉ là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày mà nó đóng một vai trò quan trọng, được người dân giữ gìn, trân quý.

“Sau năm 1954 vì mong ước Bắc-Nam sum họp một nhà, nên ngày đó có rất nhiều đơn vị ở phía bắc lấy hai chữ “Thống Nhất” để đặt tên. Có thể kể đến như Xí nghiệp xe khách Thống Nhất, Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Ủy ban Thống Nhất, Câu lạc bộ Thống Nhất… Hai chữ này thể hiện khát khao của người dân mong muốn đất nước được độc lập, hòa bình. Đến hiện tại thì chỉ còn chữ Thống Nhất trên sản phẩm bao diêm”- ông Tiến cho biết.

 Nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến.

Điều nhà nghiên cứu này thấy tâm đắc và ấn tượng nhất chính là hình ảnh logo trên bao diêm Thống Nhất. “Sau nhiều năm nghiên cứu, cho đến bây giờ tôi không hiểu ai là họa sĩ thiết kế vỏ bao diêm Thống Nhất.

Lúc đầu thấy bình thường, chỉ là bày tỏ khát vọng hòa bình của con người thông qua sản phẩm hằng ngày, nhưng sau này nhìn ở góc độ mỹ thuật thấy nó rất đẹp. Chú chim bồ câu trắng, hai cánh dang rộng, miệng ngậm bông hoa đỏ, ở một tư thế rất đẹp. Tôi mất rất nhiều công tìm hiểu ai là người vẽ ra mẫu đó, nhưng không tìm được”- ông nói.

Sau khi cánh chim trắng xuất hiện trên hình ảnh bao diêm, thì nó cũng tạo nên trào lưu sử dụng hình ảnh này, như trong các đám cưới suốt những năm 60, 70, 80, 90 của thế kỷ trước, trên phông bạt bao giờ cũng có hình ảnh chim bồ câu. Ở những nơi khắc bút, hình ảnh ưa thích và thịnh hành nhất là hình ảnh chim bồ câu trắng và hai chữ hòa bình.

Lãng phí một thương hiệu

Buồn, trăn trở và đáng tiếc nếu sản phẩm Diêm Thống Nhất không còn, ông Tiến cho rằng không thể chỉ căn cứ vào giá trị kinh tế mà  bỏ đi một thương hiệu đã gắn bó với người dân như vậy.

“Nên tìm một cách nào để lưu giữ lại, nếu chỉ tính về giá trị kinh tế mà bỏ nó đi thì rất lãng phí và đã quên đi lợi ích xã hội, giá trị biểu tượng của nó. Bao diêm ngoài là hàng tiêu dùng, nó đã trở thành một biểu tượng, một giá trị quan trọng trong đời sống xã hội của miền Bắc Việt Nam”- ông Tiến nhấn mạnh.

Những năm vừa qua, chứng kiến rất nhiều thương hiệu một thời vang bóng bị “khai tử”, nhà nghiên cứu này băn khoăn, chẳng lẽ cứ nhân danh việc làm ăn thua lỗ để xóa bỏ rất nhiều thương hiệu Việt như vậy. Cần phải có cách, chiến lược để giữ gìn nó.

“Kem đánh răng Dạ Lan, nước hoa Ỷ Lan, xà phòng thơm…  rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của người Việt đã lần lượt bị khai tử. Các thương hiệu này nếu còn được giữ đến bây giờ tôi nghĩ nó sẽ phát huy được giá trị trong thời buổi hiện nay.

Nhưng người ta bỏ nó đi mà quên mất rằng thương hiệu đó là giá trị, tài sản, nó khẳng định lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Chúng ta có thể biến nó thành phẩm du lịch chẳng hạn. Giữ lại một phân xưởng nhỏ, làm ra những hộp diêm xinh xinh, vẫn lấy logo như ngày xưa, cùng biểu tượng con chim hòa bình thì hoàn toàn vẫn có thể tiêu thụ được, vì vẫn có những khách hàng trung thành với nó.

Hay nâng cấp nó lên thành những sản phẩm để chơi, để lưu niệm, làm được những que diêm có thể đánh vào giầy cũng tạo được lửa như một số nước từng làm… Bản thân doanh nghiệp phải tìm cách giữ gìn tài sản của mình” – nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn