MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tư số 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ luật Dân sự 2015, tức chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. Ảnh PV

Bị “dọa” xóa hàng loạt tài khoản ngân hàng, giới luật sư nói gì?

Lan Hương LDO | 03/06/2017 08:03
Thời gian gần đây, một số văn phòng luật sư nhận được thông tin, tài khoản ngân hàng của họ có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn nếu không chuyển tài khoản mang tên văn phòng luật sư về tài khoản cá nhân. Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng “Quy định này không có ý nghĩa về quản lý và lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ, Bộ Tư pháp cần kiểm tra tính pháp lý của Thông tư và yêu cầu NHNN có điều chỉnh phù hợp”.  

Phía các ngân hàng lý giải việc đưa ra yêu cầu chuyển tài khoản là để phù hợp với quy định của Thông tư số 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ luật Dân sự 2015, tức chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. 

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM- cho rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 32 yêu cầu chuyển tài khoản của tổ chức không phải là pháp nhân sang tên cá nhân đã làm xáo trộn hoạt động của các tổ chức này một cách không cần thiết. Theo tôi, Quy định này không có ý nghĩa về quản lý và lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ, Bộ Tư pháp cần kiểm tra tính pháp lý của Thông tư và yêu cầu NHNN có điều chỉnh phù hợp”.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, tại điều 33 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012 có quy định “Văn phòng luật sư do một luật sự thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân”. Pháp luật đã quy định Văn phòng luật sư hoạt động, đóng thuế như một doanh nghiệp, do đó, việc quy định như trên đánh đồng Văn phòng luật sư với các hộ gia đình, tổ hợp tác…điều này là không phù hợp”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đặt câu hỏi “Không biết trước khi ban hành Thông tư, NHNN đã lấy ý kiến của các Cơ quan, Bộ, ngành có liên quan về vấn đề này chưa? Nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự kiến xây dựng luật cho rằng, không làm luật theo kiểu phục vụ lợi ích Bộ, ngành, theo đó khi thông qua một văn bản quy phạm pháp luật, phải đảm bảo tính phản biện xã hội liên quan đến vấn đề đó.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, quy định tại Thông tư 32 có thể làm xáo trộn, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như Cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Thống kê, Quản lý doanh nghiệp, Bộ Tư pháp. Kéo theo đó là sự lãng phí về kinh tế. Thêm vào đó, tài khoản ngân hàng có liên quan trực tiếp đến các thủ tục đăng kí hoạt động, thuế, bảo hiểm, chi phí, nguồn thu, chi trả lương, thanh toán…trong hoạt động của văn phòng luật sư.

Vì vậy, khi chuyển sang tên cá nhân thì văn phòng luật sư phải tiến hành báo cáo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, UBND huyện, quận, thành phố… và Đoàn luật sư nơi văn phòng luật sư đặt trụ sở theo quy định Khoản 1, Điều 37 Luật luật sư. Điều này gây khó khăn cho văn phòng luật sư, đồng thời gây xáo trộn, phiền hà cho Cơ quan quản lý.

Ngày 2.6, bà Hoàng Tuyết Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết, đối với văn phòng luật sư, theo quy định tại Điều 33 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật Dân sự 2015, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Như vậy, do không có tư cách pháp nhân, văn phòng luật sư không đủ tư cách chủ thể độc lập để mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Thông tư 32 và do vậy, tài khoản thanh toán của văn phòng luật sư thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản của cá nhân.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn