MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cơ sở sản xuất cau ở Quảng Ngãi hiện không thể xuất bán vì giá cau giảm sâu, thị trường chưa thu mua nhiều. Ảnh: Ngọc Viên

Bí đường xuất khẩu, cau rớt giá sâu so với năm ngoái

VIÊN NGUYỄN LDO | 22/09/2023 09:38

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất nước, với trên 1.000 hecta. Thời điểm này năm ngoái, giá cau tươi được thu mua khoảng 50.000 đồng/kg thì nay chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg, khiến người trồng cau thất thu.

Không xuất khẩu được, chủ yếu tiêu thụ trong nước, nên giá thu mua cau năm nay giảm sâu, người trồng thua lỗ.

Dù cau có chất lượng tốt, cũng chỉ được thương lái thu mua tại vườn với giá chỉ 6.000-7.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Viên

Bà Võ Thị Sáu ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa cho biết, hơn hai tháng qua, mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 20 tấn cau tươi, sau đó sấy khô rồi bán cho các thương lái trong nước, chứ không thể xuất đi như năm ngoái. “Cau không xuất đi nước ngoài được, nên giá thu mua cũng rất thấp, thiệt hại cho người trồng cau và cả những cơ sở thu mua. Rất mong Nhà nước có giải pháp nối lại giao thương, để cau Việt Nam xuất đi nước ngoài, thì chắc chắn giá bán cũng sẽ tăng cao trở lại” - bà Sáu chia sẻ.

Quảng Ngãi đang vào chính vụ thu hoạch cau, nhưng hiện giá cau thấp, nên việc thu mua cũng rất chậm. Nhiều vườn cau đã đến ngày thu hoạch, nhưng thương lái cũng không mấy mặn mà trong việc thu mua, hoặc có thu mua thì cũng chỉ chọn lựa những buồng cau đẹp để mua.

Bà Trần Thị Xuân ở thôn Kỳ Thọ Nam, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành cho biết: “Gia đình trồng khoảng 200 gốc cau đã 10 năm tuổi. Giá cau vốn dĩ rất bấp bênh, có thời điểm lên gần 60.000 đồng/kg, nhưng có lúc chẳng ai hỏi mua, chín vàng rồi rụng đầy gốc. Hiện giá cau thấp, nên mong có thương lái đến thu mua là vui lắm rồi, chứ giữ lại cũng chẳng biết dùng vào việc gì”.

Thị trường tiêu thụ quả cau còn hạn hẹp, nhiều rủi ro. Năm nào cau xuất khẩu được thì giá bán tăng và ngược lại. Ảnh: Ngọc Viên

Ở Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây được mệnh danh là "xứ ngàn cau”, với gần 1.000 hecta, hiện có khoảng 500 hecta đang vào vụ thu hoạch. Ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết, hiện cau ở huyện được thương lái thu mua với giá khoảng 11.000 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng cau vẫn có lãi, tuy nhiên năm nay thời tiết không thuận lợi, nên năng suất cau không đạt.

Một số cơ sở thu mua cau tươi, sau đó sấy khô rồi bảo quản lạnh để chờ tăng giá. Ảnh: Ngọc Viên

Ông Đỗ Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, cau vẫn xuất khẩu nhỏ lẻ, bằng đường tiểu ngạch nên không ổn định, khó quản lý. Trên thực tế, cho dù cau xuất khẩu được thì giá cả cũng rất thấp nên hiện tại nông dân không nên mở rộng diện tích trồng cau nhằm hạn chế rủi ro khi cung vượt cầu. Bên cạnh đó, cau là loại cây rễ nhiều, dễ làm xấu đất. Nếu trồng loại cây này thì về sau khó phát triển những cây trồng khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn