MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị phong toả vì liên quan F0, vì sao chợ truyền thống dễ trở thành "ổ dịch"

Anh Tuấn LDO | 04/08/2021 13:33

Sở dĩ chợ và các siêu thị dễ trở thành "ổ dịch" vì khả năng lây nhiễm virus Sars-CoV-2 cao.

Hàng loạt chợ đầu mối đóng cửa vì COVID-19

Hà Nội đang tạm đóng cửa loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi do liên quan các ca nhiễm COVID. Gần đây nhất, ngày 3.8, sau khi nhận được thông tin một người thường xuyên giao hàng cho các tiểu thương tại chợ Long Biên dương tính với COVID-19, quận Ba Đình đã yêu cầu UBND phường Phúc Xá phong tỏa toàn bộ chợ đầu mối này.

Vài ngày trước đó, UBND quận Ba Đình cũng đã phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản của chợ Long Biên do có tiểu thương mắc COVID-19. Phần chợ mới phong tỏa hiện là khu vực kinh doanh nông sản.

Theo ghi nhận, lực lượng chức năng đã chăng dây, lập rào chắn, phong tỏa mọi lối vào chợ Long Biên. Các tiểu thương hiện nay không được vào chợ, các phương tiện vận tải chở hàng đều phải "quay đầu xe".

Chợ Long Biên bị phong toả vì liên quan F0. Ảnh: Hoài Anh

Không chỉ chợ Long Biên, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hai ngày qua, có tới 40 siêu thị, cửa hàng tiện lợi của VinMart và VinMart+ tại Hà Nội phải đóng cửa do liên quan ca F0 của Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga.

Sáng 2.8, Hà Nội cũng tạm phong tỏa 2 chợ đầu mối ở Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) vì có các ca mắc COVID-19 liên quan. Trong đó, tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có 1 ca COVID-19, là hộ kinh doanh thường xuyên mua hàng tại chợ.

Tại quận Nam Từ Liêm, UBND quận cũng phong tỏa tạm thời chợ đầu mối và chợ dân sinh Phùng Khoang, phường Trung Văn, để lấy hơn 530 mẫu xét nghiệm cho tiểu thương.

Ca nhiễm COVID-19 trên ở chợ Phùng Khoang là nữ, 39 tuổi, trú tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín. Hằng ngày, chị lấy rau tại chợ Vồi, huyện Thường Tín lên bán tại chợ Phùng Khoang khoảng 4-8 giờ. Ngày 30.7, chị có kết quả mắc COVID-19.

Theo lãnh đạo phường Trung Văn, Phường đã phát phiếu đi chợ cho người dân và điều tiết các chợ trong khu vực, vì vậy vẫn đảm bảo nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân trong thời gian giãn cách.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, sở dĩ chợ và các siêu thị dễ trở thành "ổ dịch" vì khả năng lây nhiễm virus Sars-CoV-2 cao tại những nơi đông người. Trong khi chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị là nơi nhiều người lui tới do cung cấp dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.

Theo ông Phu, đối với những chợ đang được phép hoạt động, trong quá trình buôn bán, giao thương hàng hoá, các phương tiện chuyên chở hàng hoá cần được phun khử trùng, khử khuẩn, lái xe cần được xét nghiệm Sars-Cov-2, đồng thời thực hiện sát khuẩn tay thường xuyên.

Nhiều chợ đóng cửa, kích hoạt các điểm bán hàng lưu động

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trường hợp chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm sẽ phải đóng cửa tạm thời và thực hiện ngay việc xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Đến khi chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại.

Còn nếu chưa đảm bảo các yếu tố dịch tễ thì chợ chưa được phép mở cửa trở lại, thay vào đó, thành phố sẽ bố trí các điểm bán hàng lưu động tại nhiều khu vực để đảm bảo người dân được tiếp cận với đủ hàng hóa thiết yếu mà không phải di chuyển nhiều.

Theo bà Lan, do các phương án phòng dịch tại chợ được kích hoạt nên khi có một chợ đóng cửa, việc phân luồng hàng hoá vẫn đảm bảo, nguồn cung hàng vẫn đầy đủ.

"Quan trọng nhất là Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân", bà Lan nói với Lao Động.

Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hoá theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhiều siêu thị và chợ phải đóng cửa do có yếu tố dịch tễ, khi đó hàng hoá có khả năng thiếu cục bộ hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, TP Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần.

Đồng thời, huy động tổng lực trong việc vận chuyển hàng hoá từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở xuyên đêm hàng hoá vào trong các kho nội thành, sẵn sàng tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn