MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi mùa Tết đến, người dân Đà Nẵng lại tìm về những món bánh truyền thông như bánh khô mè. Ảnh: Hoàng Vinh

Bí quyết "không đụng hàng" của bánh khô mè 7 lửa Đà Nẵng

THÙY TRANG LDO | 12/02/2024 13:00

Tự tin với mỗi chiếc bánh khô mè được làm bằng tay, trải qua "7 lửa" với sự khéo léo và chăm chút trong từng công đoạn của người thợ, sản phẩm làng nghề của TP Đà Nẵng nay dần có tệp khách hàng riêng, không "đụng hàng" với loại bánh được sản xuất công nghiệp.

Sản lượng của cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, quận Cẩm Lệ TP Đà Nẵng mỗi năm đều tăng từ 20 đến 30%. Đây là một trong những sản phẩm địa phương tiêu biểu đầu tiên của TP Đà Nẵng được công nhận 4 sao, được tham gia các chương trình quảng bá đến người dân, du khách.

Anh Huỳnh Đức Sol – Chủ quản lý của cơ sở này cho hay, sản phẩm bánh khô mè tiêu thụ phần lớn vào dịp Tết. Nếu ngày thường cơ sở sản xuất từ 500 đến 1.000 sản phẩm thì mùa Tết, lao động phải làm từ 4 đến 5.000 sản phẩm/ngày.

Khách hàng của những loại bánh truyền thống là những người trung niên, lớn tuổi và cả du khách. Ảnh: Hoàng Vinh

Làng Cẩm Lệ, Đà Nẵng nổi tiếng với bánh khô mè nhưng đến nay, chỉ còn lại vài cơ sở. Nối nghiệp gia đình sản xuất bánh khô mè, anh Sol tự tin bởi đây là sản phẩm truyền thống lâu đời. “Bánh khô mè không cạnh tranh với bánh kẹo công nghiệp” – anh Sol khẳng định.

Tự tin nói vậy là bởi, điều đặc biệt ở mỗi chiếc bánh khô mè là phương pháp làm bằng thủ công. Chỉ có chính tay người làm mới biết “độ tới” của bánh, để bánh ngon đúng điệu. Làm được bánh ngon, bên cạnh việc chăm chút cho từng công đoạn như xay bột gạo, hấp bánh, nướng bánh, rang mè… thì quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật thắng nước đường để tẩm bánh, làm bánh dẻo, thơm mà không dễ vỡ.

“Nhiều anh chị, cô bác đến mua bánh khô mè để làm quà tặng, dâng cúng ông bà tổ tiên ngày lễ, Tết. Đây đều là những dịp quan trọng với các gia đình, vậy để thấy sản phẩm bánh truyền thống có mặt trong đời sống tâm linh của người địa phương và được trân trọng ra sao” – anh Sol cho hay.

Bánh khô mè Đà Nẵng hiện đã có mặt các bến xe, sân bay và theo chân nhiều du khách đi khắp nơi. Nhiều năm qua, bánh khô mè bà Liễu Mẹ cũng được trình diễn cách làm tại tại bảo tàng, chợ ẩm thực... cho du khách, người dân xem.

Trước tình cảnh một số sản phẩm truyền thống đang bị mai một vì không có được khách hàng, anh Sol hy vọng có thể mang chiếc bánh khô mè đi trình diễn khắp nơi để càng nhiều người biết đến thức quà vặt của người Đà Nẵng từng lọt top những quà vặt được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Trước đây, bánh khô mè còn có tên gọi là bánh 7 lửa, hoặc “bánh khô khổ” vì khâu chế biến phải trải qua ngọn lửa 7 lần, còn ngày nay công đoạn đã được cải tiến đơn giản nhưng vẫn cần sự cầu kỳ, tỉ mỉ từ bàn tay người thợ bánh.

“Khi biết được cách làm chiếc bánh ra sao thì khách hàng mua một hộp bánh, ăn một cái bánh sẽ biết được giá trị của nó, câu chuyện của nó” – anh Sol chia sẻ.

Thời gian tới, những người làng nghề bánh khô mè Đà Nẵng hy vọng thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ cho cơ sở được thuê đất để mở rộng không gian sản xuất và tạo một nơi trải nghiệm làng nghề cho du khách tìm hiểu văn hóa địa phương, trong đó có ẩm thực.

Và biết đâu, như bánh cốm Hà Nội, bánh pía Sóc Trăng, bánh khô mè có thể trở thành đặc sản được nhiều người biết đến, yêu mến khi nhắc về Đà Nẵng. Làng nghề bánh sẽ có được những khách hàng mới để có thể đỏ lửa quanh năm, giữ lại món bánh đặc sản địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn