MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia gợi ý khách hàng có thể thử thách người tư vấn bảo hiểm ở cả khía cạnh đạo đức và chuyên môn. Ảnh: Đức Mạnh

Bí quyết lọc tìm nhân viên tư vấn bảo hiểm có tâm

Đức Mạnh LDO | 27/02/2023 16:21

Giữa muôn hình vạn trạng của bảo hiểm nhân thọ, nhân viên tư vấn đóng vai trò rất quan trọng, định hướng khách hàng lựa chọn đúng sản phẩm mình cần. Tuy nhiên để tìm ra một người có tâm lại không dễ dàng.

Giao tiền cho đúng người tin tưởng 

Thời gian qua xuất hiện tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn người gửi tiền chuyển sang mua bảo hiểm với lãi suất cao nhưng lại không tư vấn rõ ràng, đầy đủ, gây rủi ro cho khách hàng…

Vụ việc rầm rộ thời gian qua là có hơn 50 người dân gửi tiết kiệm tại SCB tố cáo bị chuyển gần 10 tỉ đồng sang mua bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu tư của Manulife. Người dân cho rằng, họ bị tư vấn sai lệch, không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ. Hiện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố cáo của công dân về việc gửi tiền tại SCB có dấu hiệu bị lừa đảo mua bảo hiểm sang Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an).

Có thể thấy, nhân viên tư vấn đóng vai trò rất quan trọng, định hướng khách hàng lựa chọn đúng sản phẩm tài chính. Trao đổi với Báo Lao Động, Ths Nguyễn Thu Giang - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT - cho biết, khách hàng có thể thử thách người tư vấn ở cả khía cạnh đạo đức và chuyên môn.

Về mặt đạo đức, hãy xem người đó có tư vấn vượt quá ngân sách hợp lý hay không. Nếu tỉ lệ tiết kiệm của khách hàng là 20% thu nhập mà tư vấn viên lại gợi ý hơn 10% thu nhập để mua bảo hiểm thì đó chính là một điểm để nghi ngờ họ đang đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của khách hàng. Cũng nên thăm dò xem người tư vấn có ý định lờ đi tình trạng sức khỏe bất lợi của khách hàng để hợp đồng được nhanh chóng ký kết hay không?

Về mặt chuyên môn, khách hàng có thể thăm dò kiến thức của người tư vấn như danh mục chi trả bao gồm những bệnh gì? Hoặc khi tư vấn viên nói về giá trị tích lũy của hợp đồng, khách hàng có thể hỏi xem số tiền được hứa hẹn nhận về trong tương lai trị giá bao nhiêu ở hiện tại.

Trở thành người mua bảo hiểm thông minh

Trường hợp mua không đúng loại bảo hiểm mình muốn thì sao? Ths Nguyễn Thu Giang cho biết, điều đầu tiên cần làm là giảm các loại phí có thể giảm được như phí bổ trợ, phí đóng thêm. Khách hàng nên đến quầy giao dịch của công ty bảo hiểm để cắt bớt các khoản phí này. Ngày áp dụng sẽ là ngày kỷ niệm hợp đồng tiếp theo.

Tiếp theo là tận dụng nốt giá trị bảo vệ của phần phí đã đóng. Những hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị của các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay thường yêu cầu khách hàng đóng đủ phí 3 năm đầu. Sau 3 năm, hợp đồng có khoản tích lũy nhất định, khách hàng có thể tận dụng khoản này để không phải đóng phí của năm thứ 4.

Theo vị chuyên gia, để biết mình phù hợp với loại bảo hiểm nào, trước hết khách hàng cần xác định nhu cầu của mình là bảo vệ tài chính hay tích lũy. Với người có nhu cầu tích lũy, không nên tìm đến kênh bảo hiểm mà nên chọn ngân hàng, quỹ đầu tư. Để tránh mua nhầm bảo hiểm ở những nơi này thì khách hàng nên có trách nhiệm với chữ ký của mình, chắc chắn đã đọc và hiểu nội dung hợp đồng.

"Nếu có nhu cầu bảo vệ, tốt nhất khách hàng nên tự tính toán nhu cầu của gia đình, người phụ thuộc khi bản thân mình gặp phải biến cố không may. Nếu không thì có thể tìm đến các cá nhân, tổ chức làm dịch vụ tư vấn độc lập.

Sau khi đã lên được danh sách quyền lợi phù hợp, khách hàng có thể yêu cầu bảng giá của 3 công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau. Đơn vị nào có phí thấp nhất thì chọn ký hợp đồng với họ" - bà Giang tư vấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn