MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trả lời báo chí. Ảnh: CN.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói về vụ nước sông Đà bị nhiễm bẩn

C.NGUYÊN - Đ.CHUNG LDO | 22/10/2019 16:40

Sau sự cố nước sông Đà bị nhiễm bẩn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm về việc quản lý nguồn nước để đảm bảo nước sạch cho người dân, trong đó có trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm bảo vệ của ngành công an…

Chiều 22.10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo chí về vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải khiến hàng vạn hộ dân thành phố hoang mang, bất an những ngày qua.

Theo ông Hải, qua sự việc này, phải rút kinh nghiệm về quản lý nguồn nước. Ông Hải cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm. Doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ. Trách nhiệm vòng ngoài là lực lượng công an, như hồ thủy điện đã có quy định từ xưa đến nay. “Với hồ thủy điện, chủ đầu tư nào làm thì phải bảo vệ về an ninh, sạt lở, chăn nuôi, ô nhiễm...” - ông Hải ví dụ.

Cũng theo ông Hải, mặc dù thành phố đã có đề án về xử lý những sự cố có thể trở thành thảm hoạ từ năm 2017, tuy nhiên việc xử lý những vụ việc như cháy Công ty Rạng Đông, ô nhiễm không khí, nguồn nước… xảy trên địa bàn thành phố thời gian qua còn nhiều lúng túng, chậm chạp.

Ông Hải nói rằng, những sự cố vừa rồi cho thấy có “lỗ hổng” trong việc phân công, phân nhiệm trong xử lý sự cố, công tác thông tin cũng như phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Do đó, cần phải quy phạm hoá, quy trình hoá việc ứng phó với sự cố nếu không khi có sự cố tương tự thì xử lý sẽ rất rối và “không biết con số nào đáng tin”. Hiện thành phố đang rút kinh nghiệm để có quy định lại, để nếu xảy ra các sự việc tương tự sẽ xử lý được tốt hơn.

“Với những sự cố mang tính thảm hoạ, thành phố đã tính đến nhưng phải giao trách nhiệm cụ thể cho từng nơi. Ô nhiễm môi trường không phải bây giờ mới nói. Ví dụ, có mười mấy nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội thì than tổ ong đang xử lý tích cực, sẽ làm tích cực hơn nữa; rồi giải quyết xe máy, ôtô cũ… “ – Bí thư Hà Nội nói.

Ông cũng cho hay, sau vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu, Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm về việc quản lý nguồn nước để đảm bảo nước sạch cho người dân, trong đó có trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm bảo vệ của ngành công an…

Tiếp đó, ông Hải cho rằng, hệ thống quan trắc còn thiếu, vì thế, kể cả có an ninh, bảo vệ rồi nhưng vẫn có thể xảy ra mất an ninh, an toàn. “Vậy, hệ thống nào để phát hiện ra? Phải chia trách nhiệm từng công đoạn một. Đối với doanh nghiệp,  trong một nhà máy, từng phân xưởng lại chia ra. Doanh nghiệp nhận nước đầu nguồn thế nào, nước xử lý thế nào... Chứ không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng như ông Tốn (Tổng Giám đốc Nhà máy nước sạch Sông Đà – PV) nói là tôi không biết nên dừng hay không. Cái đó là cái nhất định phải chấn chỉnh”, ông Hải nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau vụ việc này, tất cả phải rà soát lại hết. Cũng qua đây, người dân quan tâm hơn và họ đặt ra câu hỏi liệu có để xảy ra lần sau hay không? “Đó là tất cả những việc thành phố, sở ngành của Hà Nội phải rút kinh nghiệm. Từ đó, cần phải đưa ra các quy định bắt buộc muốn đầu tư thành nhà cấp nước thì phải có công nghệ, điều kiện gì”, ông Hải nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn