MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ. Ảnh BIDV

BIDV được gì từ thương vụ khủng trị giá 20 nghìn tỉ với KEB Hana Bank?

Lan Hương LDO | 23/07/2019 12:21

Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính ngân hàng tuần này là thương vụ BIDV bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc. Động thái này hứa hẹn giải tỏa cơn khát vốn cho BIDV, qua đó gỡ nút thắt tăng trưởng tín dụng, đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho BIDV trên mảng bán lẻ, digital banking...

Áp lực tăng vốn đè nặng  

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã HoSE: BID) vừa thông qua hoạt động giao dịch cổ phiếu với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo đó, BIDV phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ. Tổng giá trị giao dịch hơn 20 nghìn tỉ đồng, tương ứng với mức giá 33.640 đồng/cổ phần.

Sau khi giao dịch thành công, vốn Nhà nước tại BIDV sẽ giảm từ 95,28% xuống còn trên 80% vốn điều lệ.

Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 là 10.300 tỉ đồng.

Đồ thị cổ phiếu BID từ đầu năm đến nay. Ảnh VNDirect
Chốt phiên giao dịch ngày 22.7, giá cổ phiếu BID niêm yết ở mức 35.750 đồng/cổ phiếu, cao hơn 6,3% so với mức giá dự kiến bán cho đối tác KEB Hana Bank.

Áp lực tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực quốc tế Basel II đè nặng, hệ số an toàn vốn (CAR) ở sát ngưỡng tối thiểu, một số ngân hàng, trong đó có BIDV gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ. 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, BIDV được cổ đông thông qua 4 phương án tăng vốn điều lệ, trong đó có chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ từ 34.187 tỉ lên 40.220 tỉ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank.

Tin đồn về việc Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group) của Hàn Quốc mua cổ phần của BIDV đã có từ lâu. Suốt 4 năm qua, BIDV “xoay xở” tìm đối tác chiến lược đáp ứng được các tiêu chí như có tổng tài sản tối thiếu 20 tỉ USD, kinh nghiệm 5 năm trên lĩnh vực tài chính… Tập đoàn Tài chính Hana là ứng cử viên phù hợp với tiêu chí trên. Tính đến đến cuối tháng 6.2018, tổng tài sản của Tập đoàn Tài chính Hana đạt hơn 40 tỉ USD, nằm trong top 100 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới (xét về vốn cơ bản).

Từ năm 2016, cả BIDV mong muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên đề nghị này đã nhiều lần bị Bộ Tài chính khước từ với lý do ngân sách eo hẹp.

Tổng giám đốc SCIC cũng đã ngỏ lời đưa mua cổ phần BIDV bằng mệnh giá, giúp ngân hàng này giải quyết "bài toán" thiếu vốn. 

Điều gì khiến thương vụ trị giá 20 nghìn tỉ “hot” đến vậy?

Thương vụ bán cổ phần 20 nghìn tỉ rất được chờ đợi bởi nó sẽ giải quyết vấn đề tăng vốn cấp bách của BIDV, từ đó gỡ nút thắt tăng trưởng tín dụng và giúp ngân hàng này có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Với sự tham gia của cổ đông chiến lược này, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) BIDV có thể có thêm lợi thế trong việc khai thác phân khúc bán lẻ, nhất là thông qua lĩnh vực fintech và digital banking.

Thêm vào đó, xu hướng nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam đang dồi dào cũng như số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam tăng lên sẽ là tiềm năng mở rộng thu nhập của BIDV. 

BIDV vẫn đang tiếp tục mở rộng sang các phân khúc bán lẻ và SME, mặc dù, theo phân tích của VDSC, tốc độ mở rộng đang chậm lại cũng như áp lực huy động vốn đang khiến nhà băng này gặp khó khăn trong cải thiện biên lãi ròng.

Do đó, nếu bán vốn thành công cho KEB Hana Bank, ngân hàng có khả năng giải tỏa các áp lực hiện tại và nâng cao sức cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ và SME. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn