MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thu hoạch thành quả từ việc trồng rau sạch trên đất cát. Ảnh: Đức Tuấn

Biến cát bạc màu thành nguồn sống

PHI LONG - ĐỨC TUẤN LDO | 19/02/2023 09:04

Quảng Bình - Thời gian qua, tại huyện Lệ Thủy, nhiều mô hình trồng rau hữu cơ trên vùng đất cát bạc màu đã cho kết quả tốt, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Những ngày này, tại những ruộng rau nằm hai bên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Thủy, Cam Thủy (huyện Lệ Thủy), người dân đang bận rộn để thu hoạch các loại rau màu được trồng theo hướng VietGAP, đem lại hiệu quả và lợi nhuận cao.

Cùng với việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, huyện Lệ Thủy đã xây dựng “vùng trồng rau an toàn” cho nông dân canh tác, tạo nên hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân địa phương.

Rau màu ở đây được người dân bón hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Ảnh: Đức Tuấn

Theo ông Lê Văn Tân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, ban đầu để hỗ trợ người trồng, huyện Lệ Thủy đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng, triển khai đề án “vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm” trên diện tích trên 16 ha.

Đề án triển khai tại các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy). Nòng cốt thực hiện đề án là 4 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã trồng rau an toàn tại các xã vùng cát. Từ đề án đã này đã cho bà con thu nhập cao và tư duy mới về nền nông nghiệp sạch.

“Huyện đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, bao bì, nhãn mác cho nông dân tham gia đề án”, ông Tân cho biết.

Trong vụ Đông Xuân năm nay, huyện Lệ Thủy gieo trồng trên 1.100 ha rau các loại. Diện tích trồng rau nhiều tập trung ở các xã vùng cát ven Quốc lộ 1A. Những ruộng rau ở đây được bà con chủ yếu trồng các loại rau củ, quả như: cải, hành, nén, su hào, đậu ve, mướp ngọt, mướp đắng, ớt…

Xã Thanh Thủy và Hồng Thủy là 2 vựa rau lớn của huyện Lệ Thủy. Toàn xã Thanh Thủy có 342 hộ tham gia trồng rau trên diện tích 175ha, tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 4 Thanh Tân, thôn 3 Thanh Mỹ. Tại xã Hồng Thủy có trên 350 hộ tham gia trồng rau trên diện tích khoảng 200 ha. Mỗi năm, người dân có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các vườn rau của mình.

Bà Lê Thanh Mỹ (xã Hồng Thủy) cho biết, gia đình bà đã trồng rau gần 2 năm nay, nhờ việc trồng rau kiểu mẫu theo hướng hữu cơ nên hiệu quả kinh tế đem lại khá cao.

Những ruộng rau sạch của người dân được trồng theo đề án “Vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm”. Ảnh: Đức Tuấn

“Các diện tích rau tại đây đều là rau sạch 100%, chúng tôi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây chứ không hề dùng bất cứ loại phân hóa học hay thuốc sinh học nào khác cả. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau cũng ổn định, mỗi năm thu từ 100 – 150 triệu đồng” - bà Mỹ chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Văn Tân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, với những kết quả đạt được từ đề án “vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm”. Thời gian tới, khi các mô hình của đề án đi vào hoạt động ổn định, huyện sẽ hướng dẫn người trồng đón tiếp các đoàn đến tham quan, trải nghiệm.

Ruộng ớt của người dân tại xã Hồng Thủy. Ảnh: Đức Tuấn

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các vườn rau xanh đẹp, được trồng chỉnh chu này cũng thu hút khá nhiều khách đến chụp ảnh, tham quan, qua đó khẳng định phần nào sự khả thi của việc trồng rau hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm.

Bên cạnh đó, trồng rau an toàn VietGAP còn góp phần nâng cao ý thức trồng rau sạch, nhân rộng thêm mô hình, tạo nên vùng chuyên canh rau sạch, an toàn trên địa bàn. Huyện cũng sẽ hỗ trợ bà con tổ chức 2 điểm thu mua và bán hàng rau quả an toàn tại các vùng triển khai đề án này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn