MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Khương Duy.

Biến động về lợi nhuận của các ngân hàng trong 1 thập kỷ

Minh Ánh LDO | 19/02/2024 10:27

Trong 10 năm qua, lợi nhuận của các ngân hàng có nhiều biến động, đáng chú ý, một ngân hàng có sự bứt phá đáng kinh ngạc.

Ngân hàng nào dẫn đầu về lợi nhuận?

Xét trong 10 năm gần đây, từ năm 2014 đến đầu năm 2024, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng có nhiều biến động.

Trong đó, năm 2021 có thể nói là năm "đại thắng" của toàn ngành khi hầu hết ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Sang đến 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đã ảm đạm rõ nét, nguyên nhân xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc đua lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng sụt giảm và sự suy yếu của chất lượng tài sản.

Thế nhưng, đánh giá toàn ngành, nhóm Big4 vẫn giữ được phong độ vốn có. Trong đó, Vietcombank vẫn là quán quân về lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, lũy kế năm 2023, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế lần đầu tiên vượt 40.000 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành từ trước đến nay và bỏ xa các ngân hàng cùng nhóm.

This browser does not support the video element.

Video về biến động lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong một thập kỷ. Video: Minh Ánh

Không kém cạnh, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank nỗ lực khẳng định vị thế của mình.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng vọt hơn 100% so với năm 2016. Cũng từ đây, lãi ròng của ngân hàng liên tục tăng trưởng, chạm ngưỡng đỉnh hơn 20.000 tỉ đồng vào năm 2022.

Dù sang năm 2023, lợi nhuận của Techcombank giảm nhẹ nhưng vẫn thuộc nhóm top đầu của các ngân hàng tư nhân.

So sánh lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022.

Bên cạnh Techcombank, VPBank cũng là ngân hàng có biến động lợi nhuận trước thuế đáng chú ý.

Năm 2014, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 1.608 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng liên tục đến năm 2022, tức sau 8 năm, khi cán mốc hơn 21.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sang đến năm năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm mạnh, chỉ còn gần 11.000 tỉ đồng.

Được biết, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của VPBank, lợi nhuận tăng đột biến do có khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm của AIA.

Sang đến năm 2023, VPBank không còn khoản thu bất thường, cộng thêm những ảnh hưởng của việc ngân hàng này tăng trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, "gà đẻ trứng vàng một thời" FE Credrit - công ty con của VPBank - cũng liên tục báo lỗ, gia tăng nợ xấu...

Còn MB năm 2023 đã bứt phá về lợi nhuận trước thuế khi ghi nhận đạt hơn 26.300 tỉ đồng.

Nguyên nhân là do năm qua, ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Trong đó, MB đẩy mạnh giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng gấp đôi so với đầu năm, từ 21.300 tỉ đồng lên 43.200 tỉ đồng.

Như vậy, sau 10 năm, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của MB lên đến 728%.

Phân hóa giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ

Trong bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng 10 năm gần đây, ngoài các "ông lớn", một số ngân hàng tư nhân khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí là tăng trưởng liên tục. Đáng kể như ACB, SHB, VIB, HDBank, MSB, PGBank.

Đơn cử như MSB, trong 5 năm gần đây, đơn vị này tăng trưởng lợi nhuận 454%. Tiếp theo là SHB có tỉ lệ tăng trưởng 341%.

Tuy nhiên, nhìn vào mức tăng trưởng của các ngân hàng, có thể thấy sự phân hoá mạnh mẽ giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ.

ABBank trong 2 năm 2021, 2022 lợi nhuận vọt lên mức 1.959 và 1.702 tỉ đồng nhưng sang đến năm 2023, chỉ tiêu này sụt giảm 191%, xuống mức 584 tỉ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng như VietAbank, BacABank, KienlongBank, VietBank, PGBank, Saigonbank, Bản Việt, Bảo Việt, NCB, lợi nhuận sau thuế 10 năm gần đây không thể vượt mốc 1.000 tỉ đồng.

Nhìn chung, 2021, 2022 là hai năm làm ăn có lãi của các ngân hàng. Tuy nhiên, sang năm 2023, do áp lực nợ xấu, các ngân hàng tăng trích lập dự phòng, chưa kể các hoạt động chính như thu từ thẻ và bancassurance (Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đều suy yếu, từ đó kéo theo lợi nhuận giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn