MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đặng Duy Khánh (Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bên tranh từ lá bồ đề. Ảnh: Phương Anh

Biến lá bồ đề thành tranh, 9X Sóc Trăng giải quyết việc làm cho hàng chục lao động

PHƯƠNG ANH LDO | 11/08/2023 15:08

Từ những chiếc lá bồ đề bình thường, sau khi qua các công đoạn xử lý, Đặng Duy Khánh (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã biến thành những bức tranh sinh động và tinh xảo mang đậm nét Phật giáo.

Biến lá thành tranh

Vốn xuất thân là trong gia đình Phật tử, Đặng Duy Khánh thường xuyên theo cha mẹ viếng chùa. Đến khi học Đại học, Khánh được gia đình gửi vào chùa tá túc để tiện việc học hành.

Trong khuôn viên chùa có trồng nhiều cây bồ đề, trong một lần tình cờ, Khánh nhặt được một chiếc lá chỉ còn bộ gân (do rụng xuống nước lâu ngày nên chất diệp lục trong lá bị phân hủy). Thích thú với hình thù chiếc lá, Duy Khánh bắt đầu ý tưởng làm tranh từ lá bồ đề.

Đặng Duy Khánh (Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đang đính lá bồ đề thành tranh. Ảnh: Phương Anh

Duy Khánh chia sẻ: “Cây bồ đề là một trong những biểu tượng của Phật giáo. Bên cạnh giá trị tâm linh, lá cây còn đẹp và bền. Nên mình nghĩ lấy lá bồ đề để làm tranh về chủ để Phật giáo, để các Phật tử khi đến Sóc Trăng có được một món quà lưu niệm. Ngoài ra, bồ đề là loại cây thay lá rất nhiều lần trong năm nên nguồn nguyên liệu để làm tranh không thiếu. Vậy là giữa năm 2022, mình bắt tay vào thực hiện ý tưởng biến lá thành tranh”.

Để có được những bức tranh sinh động, tinh xảo như ngày nay, Đặng Duy Khánh cũng đã trải qua không ít lần thất bại nhất là trong công đoạn chọn và sơ chế lá. Khánh phải mày mò nghiên cứu suốt nhiều tháng trời mới cho ra được những chiếc lá thành phẩm vừa ý nhất.

Lá bồ đề đã tách diệp lục (bên phải). Ảnh: Phương Anh

“Ban đầu mình cứ nghĩ lá bồ đề nào cũng có thể làm tranh nhưng không phải vậy. Lá phải là những chiếc lá già vì loại này xương lá cứng khó gãy, độ bền lâu. Còn lá non quá sau khi tách diệp lục thì dễ rách, lá già thì xương lá dễ gãy.

Sau khi có lá, công việc tiếp theo là ngâm lá vào trong nước cộng với vôi trắng để xử lý mùi hôi. Khi thấy chất diệp lục của lá mềm thì dùng bàn chải chải nhẹ nhàng cho hết phần chất diệp lục, rồi đem phần xương lá phơi nắng cho khô sau đó mới làm tranh. Tất cả mọi công đoạn phải mất cả 2 tháng trời mới xong”, Đặng Duy Khánh cho biết về các công đoạn xử lý lá.

Những chiếc lá bồ đề khi đạt yêu cầu sẽ được Khánh sẽ ghép lại thành những bức tranh về chủ đề Phật giáo như: Phật ngồi dưới gốc bồ đề, Hoa sen, cây bồ đề, bướm, bánh xe luân hồi...

Bức tranh Dưới gốc bồ đề được đính tỉ mỉ. Ảnh: Phương Anh

Tùy kích thước, chủ đề một bức tranh Khánh mất vài ngày đến vài tuần để hoàn thành cũng như sử dụng số lượng lá cho phù hợp.

Thông thường thì từ vài chục đến hàng trăm lá để đính và lồng ghép với nhau. Với tranh cây bồ đề thì có sử dụng thêm chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây, phần lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề trắng để làm. Còn tranh hình Phật và thư pháp thì sử dụng lụa để quét hình lên khuôn.

Bức tranh hoa sen được ghép từ lá bồ đề. Ảnh: Phương Anh

Theo Duy Khánh, bình thường xương lá có màu tự nhiên nhưng bạn đã xử lý thành màu vàng, trắng cho phù hợp với từng loại tranh và tạo ra nét riêng biệt. Đồng thời, Khánh còn kết hợp với hạt cườm, nhựa dẻo, lụa đỏ, kỹ thuật in lụa… để tạo ra nhiều loại tranh nghệ thuật theo ý muốn.

Lá bồ đề được nhuộm màu tự nhiên để tăng nét sinh động. Ảnh: Phương Anh

Tranh lá bồ đề là sản phẩm OCOP

Từ năm 2020 đến nay, Đặng Duy Khánh đã thực hiện trên 50 bức tranh từ lá bồ đề và khoảng 5.000 móc khóa in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ thư pháp từ lá bồ đề. Mỗi bức tranh nghệ thuật có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy vào kích thước, chủ đề và số lượng lá. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Duy Khánh có nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ công việc này.

Nhiều chị em phụ nữ nông thôn cũng có việc làm ổn định từ gia công lá bồ đề. Ảnh: Phương Anh

Ngoài ra, còn giải quyết cho hơn chục chị em phụ nữ ở nông thôn có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày từ gia công, sơ chế lá rồi cắt, ép nhựa và gắn dây lụa tăng tính thẩm mỹ.

Chị Đặng Thị Sầu Riêng ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: "Nhà làm nông chỉ phụ thuộc vào mùa vụ, thời gian còn lại thường không làm gì. Khi biết được em Đặng Duy Khánh cần người để đi hái lá bồ đề về ngâm, tách diệp lục nên mình nhận về làm. Mỗi ngày cũng có thu nhập khoảng 200.000 đồng. Ở nông thôn, số tiền này cũng rất khá, đủ để mua thức ăn hay đóng tiền điện nước”.

Móc khóa lá bồ đề. Ảnh: Phương Anh

Hiện nay, Khánh còn liên kết với một vài điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Sóc Trăng để bỏ mối móc khóa lá bồ đề. Và những sản phẩm của Khánh cũng được công nhận là OCOP 3 sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sóc Trăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn