MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biên lợi nhuận doanh nghiệp thuỷ sản có nguy cơ bị thu hẹp

THU GIANG LDO | 03/09/2022 09:24

Mặc dù lợi nhuận đang tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn những doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến thuỷ sản trong nước vẫn đang gặp khó trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng cao và nguồn cung nguyên liệu vẫn chưa phục hồi.

Doanh nghiệp thuỷ sản gặp thách thức vì thiếu nguyên liệu. Ảnh: XK
Lợi nhuận khả quan

Ở thị trường xuất khẩu, ghi nhận lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, ngành thủy sản đã mang về trên 5,76 tỉ USD, tăng 40% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản phẩm cá tra đã đạt trên 1,4 tỉ USD, tăng 83%. Giá trị tôm xuất khẩu khoảng 2,3 tỉ USD, tăng 31%.

Trong khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero - COVID, các doanh nghiệp cá tra cũng được hưởng lợi thuế suất 0% tại thị trường Mỹ. Cùng với đó, việc hàng hóa Nga bị cấm vận, thủy sản Việt Nam càng ít bị cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ghi nhận trong 3 tháng qua, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng đạt mức lãi cao nhất kể từ khi niêm yết vào quý IV/2006. Doanh nghiệp này ghi nhận hơn 118 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2021.

Phía Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) cũng đang "ăn nên làm ra" khi báo lãi gần 230 tỉ đồng, tăng 8,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010. Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) cũng có lãi sau thuế tăng gấp 10 lần, lên mức hơn 240 tỉ đồng, cao nhất từ quý I/2019 đến nay.

"Ông vua" ngành tôm Minh Phú (Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tuy chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất nhưng các báo cáo riêng cũng cho thấy, doanh nghiệp này đã có mùa kinh doanh thuận lợi khi lãi sau thuế của công ty mẹ hơn 196 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.

Thị trường dự báo biến động cuối năm

VnDirect mới đây đã dự báo lợi nhuận ngành thuỷ sản có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn nửa đầu năm ở cả sản phẩm cá tra và tôm khi nguồn cung mặt hàng này đang tăng trở lại, cùng với nhu cầu tại các thị trường chính dần ổn định. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành có thể bị thu hẹp.

Ngoài kịch bản kém lạc quan về giá, ngành thủy sản còn đang phải đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cá, tôm nguyên liệu khi các hộ nuôi không tăng diện tích do thận trọng đầu tư.

Thời gian qua, tuy giá cá tra tăng cao nhưng nhiều người nuôi vẫn lỗ vì chi phí cao (chi phí thức ăn chiếm 75 - 80% giá thành, đã tăng 4 - 6 lần từ đầu năm đến nay).

Giá con giống nhiều thời điểm tăng gấp đôi, giá bán các vật tư đầu vào khác như thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học cũng tăng từ 20 - 30% khiến giá thành sản xuất bị đội lên cao.

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng chỉ ra, việc thiếu nguyên liệu đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2022.

Tuy nhiên, thiếu hụt này có thể là khó khăn ngắn hạn, khi các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững để tránh thiếu nguyên liệu đầu vào trong tương lai.

Bất chấp những thách thức như giá cước vận tải tăng vọt, các công ty chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã tận dụng nhiều lợi thế của việc tăng tốc xuất khẩu tôm khi nhu cầu ở EU phục hồi sau COVID-19 và lạm phát thực phẩm cao.

EVFTA đang là một yếu tố thuận lợi hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tôm, thuỷ sản sang EU trong bối cảnh giá cả tăng.

VASEP cho rằng, sau tháng 9.2022, nhu cầu nguồn hàng thuỷ sản trên thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng nhẹ để đáp ứng nhu cầu cho lễ hội cuối năm. Về thị trường Nhật Bản thì khá ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022.

Xuất khẩu tôm sang các thị trường này đang tăng 15% so với cùng kỳ lên xấp xỉ 333 triệu USD; Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 378 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn