MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu giá bán lẻ điện dự kiến còn 5 bậc thay vì 6 như hiện hành và giá điện ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) khoảng 3.457 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Ảnh: EVN

Biểu giá điện sinh hoạt cao nhất 3.457 đồng/kWh: Bất cập bù chéo giá điện vẫn còn nguyên

Anh Tuấn LDO | 09/07/2023 18:21

Chuyên gia năng lượng cho rằng, cơ cấu biểu giá điện hiện nay dù đã có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

Giá bán lẻ điện cao nhất lên tới 3.457 đồng/kWh

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc.

Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh hiện nay; còn bậc cao nhất từ 700 kWh trở lên.

Giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/kWh (mức điều chỉnh từ 4.5.2023). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.728 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.457 đồng/kWh. Giá này chưa gồm thuế VAT.

Với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, phương án được Bộ Công Thương đưa ra lần này không khác nhiều so với đề xuất hồi tháng 9.2022. Việc ghép các bậc với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh đúng tình hình tiêu thụ điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Phương án này cũng giúp hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi khi áp dụng cơ cấu biểu giá mới. Bởi theo tính toán, đối với các hộ có mức sử dụng điện từ 700kWh trở xuống, chiếm 89% số hộ, tiền điện phải trả sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 701 kWh/tháng trở lên (chiếm 2% hộ tiêu thụ) sẽ tăng thêm.

Biểu giá bán lẻ điện được đưa ra lấy ý kiến. Ảnh chụp màn hình

Đánh giá của các chuyên gia ngành điện, cơ cấu giá hiện nay dù đã có sự điều chỉnh, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

Trong đó, tình trạng bù chéo giá điện giữa các hộ tiêu dùng điện vẫn chưa được khắc phục triệt để. Giá điện sinh hoạt vẫn đang phải bù chéo cho giá điện sản xuất, kinh doanh với giá điện sinh hoạt, giá điện giữa các vùng miền.

Điều này đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không phù hợp. "Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng... Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái", Uỷ ban Kinh tế nhận xét.

Không nên bù chéo giá điện

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Ngô Đức Lâm, điện là mặt hàng đặc thù khi sản xuất, trong cơ cấu sản xuất điện hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỉ lệ lớn, đều là tài nguyên không tái tạo được nên cần thiết sử dụng điện hiệu quả. Nhiều quốc gia trên thế giới khi xây dựng chính sách giá điện cũng ưu tiên mục tiêu này.

Do đó, cơ chế giá điện mới cần thỏa mãn cho nhu cầu sử dụng điện của người dân, tránh bù chéo giá điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo tài chính cho ngành điện để có nguồn tái đầu tư, gắn với chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp…

Song, ông không đồng tình việc Bộ Công Thương công bố biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở thời điểm này.

Lý do ông đưa ra là, Bộ này đang thực hiện việc kiểm tra toàn diện ngành điện, trong đó có cả giá điện. Khi chưa kết thúc điều tra, cải tổ ngành điện, việc công bố dự thảo biểu giá bán lẻ điện không có nhiều ý nghĩa. Do vậy, cần lùi lại, chưa nên thảo luận, lấy ý kiến.

“Giả sử khi kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện giá bán lẻ điện bình quân không đúng, việc đưa ra biểu giá bán lẻ điện theo bậc thang sẽ phải sửa lại theo đúng thị trường điện lực. Khi đó vừa mất thời gian, vừa tốn công sức, nguồn lực của các bộ ngành tham gia góp ý”, TS Ngô Đức Lâm cho hay.

TS Ngô Đức Lâm cũng cho rằng, biểu giá bậc thang hiện nay có sự bù chéo giữa các hộ sử dụng nhiều và hộ sử dụng ít. Điều này là không phù hợp.

"Khi người dân sử dụng điện theo thị trường điện lực, người dùng nhiều phải trả nhiều, người dùng ít trả ít; không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều phải trả tiền nhiều rồi lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao (lên tới 3.457 Kwh cho giá điện bậc 5), phải trả tiền nhiều hơn nữa. Việc này tôi cho rằng, vừa không minh bạch, vừa không đúng luật", ông nói.

Theo TS Ngô Đức Lâm, ngành điện chỉ có nhiệm vụ bán điện, không có chuyện bù chéo giữa các hộ tiêu dùng điện. "Bậc thang cao, bán điện giá cao bù cho những hộ dùng ít điện ở bậc thang thấp là không hợp lý.

Người dùng ít điện, các hộ nghèo đã có chính sách hỗ trợ giá điện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, chứ không lấy tiền của các hộ dùng nhiều điện để bù cho các hộ dùng ít điện", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn