MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Tuấn

Bờ biển dài vẫn phải nhập khẩu muối do không thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng

Phan Anh - Kim Khánh LDO | 19/08/2023 08:35

Dù có đường bờ biển dài nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 500-600.000 tấn muối. Diện tích làm muối của nước ta cũng giảm nhanh chóng qua các năm.

Diện tích sản xuất muối giảm dần

Số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, diện tích sản xuất muối tại Việt Nam liên tục giảm qua từng năm: Năm 2017 đạt 13.158 hecta, năm 2018 với 13.074 hecta, năm 2019 với 12.494 hecta, năm 2021 là 11.393ha, đến năm 2022 chỉ còn 11.009 hecta.

Chia sẻ với PV Lao Động về thực trạng diện tích sản xuất muối giảm dần, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - cho biết đã ký văn bản, đề nghị các sở phải báo cáo với UBND tỉnh làm rõ lí do. Các tỉnh phải trả lời Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nguyên nhân.

Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 hecta. Đến năm 2030 tổng diện tích sản xuất muối 14.244 hecta với sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm.

Các địa phương không thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng

Ông Lê Đức Thịnh cho biết hiện tại diện tích sản xuất muối nước ta chỉ còn 11.500 hecta, giảm mất 1.000 hecta. Hiện nay 19 tỉnh có sản xuất muối phê duyệt còn hơn 8.200 hecta. Các địa phương không thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng.

"Sản xuất muối hiện nay ngày càng khó khăn. Lý do là cánh đồng muối của nước ta sau rất nhiều năm không được cải tạo, đặc biệt hệ thống thủy lợi. Nếu cần phải đầu tư sẽ tốn rất nhiều chi phí vì cánh đồng muối lùi sâu vào trong đất liền. Trước đây cánh đồng muối kề ngay bờ biển nhưng nay có những nơi lùi vào sâu đến mấy km. Đáng lẽ phải thường xuyên duy tu hoặc đầu tư cho hạ tầng thủy lợi nhưng từ xưa đến nay các tỉnh không đầu tư.

Thứ hai, hiện các tỉnh sẽ lựa chọn đầu tư tăng trưởng nhanh. Ví dụ, đầu tư của tỉnh cũng làm hạ tầng nhưng làm cho thủy sản vì có doanh thu lớn, tăng trưởng nhanh. Vì vậy rất nhiều tỉnh không quan tâm đến muối nữa. Ngoài hạ tầng xuống cấp, sản xuất muối bấp bênh còn do một số nguyên nhân như: Biến đổi khí hậu, mưa, bão…

Vì vậy, một số tỉnh không khai thác được là bỏ hoang ruộng muối. Ruộng muối bỏ hoang không đầu tư nên các tỉnh chuyển đổi sang làm điện tái tạo, thuỷ sản…

Trước đây Quốc hội kiểm duyệt chỉ tiêu về đất, trong đó gồm tất cả các loại đất Quốc hội đều phải kiểm kê. Nhưng hiện nay Chính phủ chỉ kiểm đất lúa, đất rừng, đất an ninh quốc phòng… còn lại đất sản xuất nhỏ, UBND các tỉnh tự phê duyệt.

Trước đây các tỉnh làm quy hoạch đất đai trong một giai đoạn là phải gửi tất cả lên Trung ương, Chính phủ. Chính phủ sẽ đề nghị các bộ, ngành kiểm đếm xem có chính xác không. Họ chỉ gửi quy hoạch đất lúa, đất đất rừng… còn đất làm muối tự phê duyệt rồi huyện gửi lên tỉnh. Đến lúc tổng hợp gửi lên Trung ương là đã phê duyệt mới nhận ra. Theo chúng tôi chất vấn, tỉnh trả lời được quyền chủ động phê duyệt. Họ không làm theo quyết định của Thủ tướng nên bây giờ phải giải trình" - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho hay đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu...

Trong đó, 13 sơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 01 cơ sở đã đầu tư 02 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn