MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2020, nghề làm muối Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nhật Hồ

Bờ biển dài vẫn phải nhập khẩu muối, vì đâu nên nỗi

Phan Anh LDO | 18/08/2023 20:14

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có trao đổi với PV Lao Động làm rõ nguyên nhân nước ta nhập khẩu muối số lượng lớn dù có đường bờ biển dài.

Không kiểm soát được dòng muối nhập về để làm gì

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 15.8, GS Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) nêu vấn đề: Mỗi năm, Việt Nam có nhu cầu sử dụng 1,5 - 1,6 triệu tấn muối và phải nhập khẩu 600.000 tấn muối trị giá hàng tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước.

"Một đất nước có bờ biển dài rộng, có nắng, diêm dân có kinh nghiệm mà phải nhập khẩu muối, tôi thấy rất đau lòng", ông Trí chia sẻ.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận được sự quan tâm của cử tri khi Việt Nam có đường bờ biển dài, có nhiều điều kiện có thể phát triển ngành muối.

Trao đổi với PV Lao Động về nguyên nhân nước ta phải nhập khẩu muối, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng:

"Thứ nhất, thiếu là phải nhập. Theo cam kết của nước ta với WTO, mỗi năm phải tăng dần hạn ngạch nhập khẩu ít nhất là 5%. Chính phủ chủ yếu khuyến khích nhập khẩu muối cho công nghiệp vì từ xưa đến nay vẫn thiếu muối công nghiệp. Hiện nay, nước ta đang tiêu thụ một năm khoảng 1.600.000 tấn muối thì muối ăn chỉ khoảng 400.000 - 500.000 tấn. Ngoài ra, khi nhập về có giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả muối trong nước sản xuất".

Sản xuất thủ công gặp khó khăn, khó cạnh tranh

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất muối thủ công trong nước, bà con nông dân rất khó khăn để cạnh tranh với các nước khác.

"Muối nhập khẩu rẻ vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ sản xuất công nghiệp, năng suất cao. Nước ta sản xuất 60 - 80 tấn/hecta muối thủ công, nhưng nước ngoài là 200 tấn/hecta. Khi họ sản xuất quy mô lớn đáp ứng được yêu cầu, phần dôi ra họ còn trợ giá vận chuyển. Vì vậy giá thành rất rẻ, nhưng muối đó dùng cho công nghiệp. Còn muối ăn của nước ta phải đảm bảo về vi chất, dinh dưỡng cho con người. Muối nước ta cực kỳ tốt"- ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, thị trường không phân biệt được đâu là muối có dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên đương nhiên sẽ chọn muối rẻ. Người tiêu dùng nên tiêu thụ muối nhạt (NaCL dưới 92%), còn muối trên 92% là muối mặn, chỉ có vô cơ, không có các vi chất như Bo, Canxi.

Ông Thịnh cũng cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ NNPTNT là đầu mối thực hiện Quyết định 1325 phê duyệt đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030. Các địa phương sẽ phải xây dựng quy hoạch, hạn cuối là ngày 10.8, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tỉnh nào báo cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn