MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ Công Thương báo cáo loạt vấn đề "nóng" về công tác thị trường

Anh Tuấn LDO | 22/04/2020 22:12
 Quản lý, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, tăng cường hoạt động quản lý thị trường, thương mại điện tử... là những vấn đề Bộ Công Thương đã triển khai trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về công tác điều hành và kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch của bộ này.

Về vấn đề quản lý hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương thông tin, ngày 25.3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 2280 yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương. Sau đó 1 ngày, Bộ Công Thương đã chủ trì làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 30.3, Bộ có Công văn số 2256 gửi 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề nghị cung cấp thông tin phục vụ điều hành thị trường để bảo đảm nguồn cung gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; đồng thời gửi đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam để phối hợp chỉ đạo.

Bộ này cũng đề nghị các đơn vị chức năng báo cáo về tình hình duy trì mức dự trữ lưu thông gạo theo quy định tại Nghị định số 107 ngày 15.8.2018 của Chính phủ.

Trong lĩnh vực điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương cho hay đã đôn đốc các địa phương và nhà cung ứng lớn thực hiện dự trữ, đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; xây dựng phương án ứng phó sẵn sàng trong bối cảnh thực hiện cách ly toàn xã hội kể từ ngày 1.4; có tính đến việc điều phối hàng hóa cho các địa bàn bị cách ly.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, các hệ thống phân phối đều có các phương án dự trữ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng hàng hóa theo diễn biến của từng cấp độ dịch, hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng từ 100%- 500% so với bình thường.

Vì vậy, thời gian qua hàng hóa trong các hệ thông cung cấp đầy đủ, kịp thời, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, bảo đảm phục vụ đầy đủ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. 

Về công tác chỉ đạo sản xuất khẩu trang vải, Bộ này cho biết đã thành lập một tổ công tác do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng là tổ trưởng, thực hiện rà soát, xây dựng, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất khẩu trang vải.

Về năng lực sản xuất khẩu trang vải, Bộ Công Thương khẳng định - Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu hàng dệt may khoảng 33 tỉ USD (năm 2019), có tiềm năng sản xuất khẩu trang vải rất lớn, chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp và Hiệp hội dệt may khăng định có thể sản xuất 150-200 triệu khẩu trang vải mỗi tháng và có thể tăng thêm. 

Tuy nhiên, Bộ này cho rằng, mặc dù nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hiện không gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng vì e ngại đầu ra cho sản phẩm.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Và công tác kiểm soát các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tính đến ngày 20.4, các sàn đã xử lý khoảng 17.270 gian hàng và 34.410 sản phẩm vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn