MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần thận trọng tìm hiểu trước khi tìm đến vay tiêu dùng ở công ty tài chính. Ảnh: Anh Tú

Bộ Công Thương cảnh báo về vay tiền ở công ty tài chính

TRÍ MINH LDO | 08/09/2021 06:00

Liên tiếp các trường hợp phản ánh về việc bị nhắn tin, gọi điện “khủng bố”, đe dọa khi vay tiêu dùng ở các công ty tài chính. Bộ Công Thương mới đây đưa ra lưu ý người dân tìm hiểu kỹ, cân nhắc cẩn trọng các nội dung hợp đồng trước khi giao kết vay tiền ở các công ty này.

Vay tiền xong bị "khủng bố"

Chị Hoàng Minh Châu (Hà Nội) từng vay tiền ở một công ty tài chính với thủ tục rất nhanh chóng nhưng sau đó lại trở thành một trải nghiệm đáng sợ trong cuộc đời. 

“Nghe theo lời tư vấn, tôi đăng ký vay tiền ở Công ty tài chính Mirae Asset. Vay tiêu dùng ở đây thì rất đơn giản, không cần nhiều thủ tục. Tuy nhiên, khi tự mình trải nghiệm rồi tôi mới biết, mức lãi suất ở đây cao ngất ngưởng so với thu nhập, khiến gia đình tôi nhiều khi choáng váng, không thể lường trước".

Theo chị Châu, để vay tiền, người dùng chỉ cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại và tài khoản Facebook. Tùy vào mức vay, một số công ty tài chính khác có thể yêu cầu thêm các giấy tờ, thủ tục như giấy sao kê tài khoản ngân hàng, bảng lương, nơi đang công tác, làm việc. Điều đáng nói, nhiều khi sắp đến hạn đóng tiền, công ty tài chính này còn cố tình sử dụng các thông tin cá nhân của chị Châu để gọi điện cho bạn bè, thúc giục người thân, gây áp lực khiến chị bất ngờ. Thậm chí có những cuộc gọi với giọng điệu đe dọa khủng khiếp. 

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Kim Cúc (Hà Nội) cũng cho biết về tình trạng đang bị quấy rối sau khi vay tiền của công ty tài chính nêu trên.

"Trời ơi tôi cũng đang bị khủng bố bên Mirae Asset đây. Mà giờ đang trong tình trạng cách ly, sao đóng được mà họ gửi tin nhắn, gọi điện cho đủ thứ người thân, hăm doạ luôn không biết làm sao nữa" - chị Nguyễn Thị Kim Cúc cho hay.

Một trường hợp khác, chị NH (thường trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vào tháng 4.2019, chị có vay tín chấp số tiền 70 triệu đồng. Nếu tính cả gốc cả lãi phải trả trong vòng 3 năm là 140 triệu đồng. 

Sau gần 2 năm đều đặn trả lãi và gốc đúng hẹn, mấy tháng gần đây do làm ăn thua lỗ cộng với dịch COVID-19 nên kinh tế gặp khó khăn, khiến chị NH chưa trả được đúng hạn. Chị NH đã chủ động liên hệ để xin giãn thời gian hoàn trả tiền. Thế nhưng sau đó, chị NH và bạn bè của chị liên tục nhận được hàng loạt cuộc gọi cũng như tin nhắn đe dọa, thậm chí là dọa “giết” từ số máy lạ tự xưng là nhân viên của công ty tài chính. Cuộc sống của chị NH bị đảo lộn hoàn toàn, thậm chí là không dám ra đường sau khi những tin nhắn, cuộc gọi "khủng bố" cứ triền miên trong một thời gian dài.

Cần xem xét kỹ lưỡng

Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Minh Bạch), pháp luật quy định các công ty tài chính không được áp dụng biện pháp đe dọa khách hàng và chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày. Hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h.

Công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng cho tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải bảo mật thông tin khách hàng.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.

Tuy nhiên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, khi nhận được dự thảo hợp đồng vay, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung trước khi quyết định giao kết, đặc biệt là một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Cụ thể là các điều khoản về thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức, lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi, các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính, các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định). 

Theo quy định tại hợp đồng, người tiêu dùng nên xem xét việc có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này. Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không, chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...

Từ đó, người dân nên cân nhắc kỹ, không đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn