MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công Thương đề xuất tăng thêm 300.000 tấn gạo từ khối lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020, dù khối lượng gạo để lại đã đủ. Ảnh: Khánh Vũ

Bộ Công Thương: Đã bổ sung thêm 300 nghìn tấn gạo cho dự trữ quốc gia

Khánh Vũ LDO | 21/04/2020 17:08

Mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương vẫn đề xuất để lại thêm 300 nghìn tấn từ số lượng xuất khẩu để thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020 của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu (và phải xuất khẩu để bảo đảm tiêu thụ hết thóc gạo cho người dân) là khoảng 3 triệu tấn.

Phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 4, tháng 5.2020 do Bộ Công Thương đề xuất được xây dựng dựa trên số liệu này.

Mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương vẫn đề xuất (và được các bộ, ngành đồng ý) để lại thêm 300 nghìn tấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020.

"Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao" - Bộ Công Thương nêu vấn đề.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, tham chiếu chiến lược xuất khẩu gạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 3.7.2017, các loại gạo tẻ phẩm cấp thấp và trung bình sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng giảm. Loại gạo phẩm cấp thấp nhất (IR50404) sẽ ngày càng ít đi (vụ Đông Xuân năm 2020 chỉ chiếm khoảng 12-15% diện tích gieo trồng). Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì chính sách chỉ mua IR50404 để dự trữ (trong khi các loại gạo tẻ khác không thiếu) thì tới thời điểm nào đó sẽ không thể mua đủ.

Việc giao dịch, tham gia cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Dự trữ Quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài cần được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Được biết, các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng đã phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính. Như vậy, Bộ Công Thương cho rằng, đối chiếu với các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.

“Đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy” – Bộ Công Thương khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn