MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bộ Công Thương đề nghị bỏ quy định xử phạt hành vi không khai báo chất thải

Cường Ngô LDO | 24/09/2021 19:02

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường hiện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút hoàn thiện để Bộ Tư pháp thẩm định trong tuần cuối tháng 9.2021. Trong đó, Bộ Công Thương góp ý, đề nghị bỏ quy định xử phạt về khai báo chất thải được quy định tại dự thảo nghị định.

Bộ Công Thương góp ý gì?

Góp ý với dự thảo, Bộ Công Thương cho biết, điểm đ, khoản 3 Điều 28 của dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành vi "không khai báo hoặc khai không đúng khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, hoặc trong nội dung đăng ký môi trường hoặc trong báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định".

Theo Bộ Công Thương, việc khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường chỉ mang tính chất định tính và dự báo do giấy phép môi trường được cấp trước khi dự án đi vào vận hành chính thức.

Vì vậy, việc phát sinh khối lượng, loại chất thải nguy hại thực tế sản xuất không đúng với loại, khối lượng trong hồ sơ cấp giấy phép môi trường là điều được pháp luật cho phép và chủ nguồn thải phải báo cáo về việc thay đổi này. Do vậy, theo Bộ Công Thương, nên xem xét bỏ quy định đối với hành vi này.

Bộ cũng đề nghị bỏ cụm từ "kịp thời", "hiệu quả" tại các nội dung trong Điều 38 do không định lượng và không phù hợp với hoạt động ứng phó sự cố, đặc biệt là các sự cố có thể phát triển theo hướng bất ngờ.

Bộ Công Thương đề nghị bỏ quy định xử phạt về khai báo chất thải. Ảnh minh hoạ, nguồn Monre 

Theo Bộ Công Thương, hiện nay Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành công thương thực hiện các quy định bảo vệ môi trường, nhưng chưa được cập nhật vào dự thảo Nghị định.

Như trách nhiệm đăng ký tài khoản khai báo cơ sở dữ liệu môi trường; định kỳ thực hiện khai báo cơ sở dữ liệu đầy đủ nội dung, đúng thời gian quy định; tính chính xác, trung thực đối với các dữ liệu khai báo; bảo mật thông tin tài khoản đã được cấp.

Lo ngại giấy phép con

Cũng góp ý về dự thảo Nghị định, Hiệp hội Dệt may Việt Nam  (VITAS) cho rằng, tại khoản 4, điều 38 về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường. Nhiều nội dung của Điều 38 không đúng, tiền kiểm và can thiệp vào quy trình nội bộ của doanh nghiệp.

Do vậy, VITAS kiến nghị sửa đổi điều 38 theo đúng yêu cầu của Điều 46 của Luật và tương thích là sửa lại phụ lục 32 theo tinh thần hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi cấp phép, không can thiệp quá sâu vào quy trình nội bộ của doanh nghiệp. 

"Việc thử nghiệm bao lâu là việc của doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thử nghiệm, vận hành chính thức không được gây ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định yêu cầu", VITAS kiến nghị. 

Theo bản góp ý của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), dự thảo đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con.

Trong dự thảo Nghị định, có một khối lượng khổng lồ các quy định và hướng dẫn để thực hiện việc cấp phép về môi trường, gồm 10 phụ lục, 24 trang với 12 điều.

Chỉ riêng phần chính của Nghị định, chưa bao gồm phụ lục, đã có tới 379 từ "giấy phép" với hàng chục loại giấy phép khác nhau, từ giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế…. mà bất cứ doanh nghiệp nào từ nhỏ đến lớn cũng phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các doanh nghiệp có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép.  

Do vậy, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị cần giảm bớt các loại giấy phép, đơn giản thủ tục cấp phép theo đúng Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, phân loại theo quản lý rủi ro để xây dựng thủ tục phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn