MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế.

Bộ Công Thương tích cực đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đức Thành LDO | 21/11/2019 18:48
Bộ Công Thương đang hướng tới xây dựng 3 trung tâm CNHT tại ba vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. 

Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước rất quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách.

Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển các CNHT trong nước. Tiếp đó, năm 2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 với mục tiêu tập trung các nguồn lực của nhà nước và cơ chế ưu đãi để cụ thể hóa ưu tiên phát triển CNHT, như: CNHT dệt may, da giày, ôtô, cơ khí...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thể hiện sự quyết tâm của ngành trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Bộ Công Thương khẳng định, thời gian vừa qua, bộ đã tích cực triển khai các chương trình, dự án, nhất là trong công tác hợp tác quốc tế nhằm tạo liên kết cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ quản trị, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh…

Nhờ đó, hiện nay doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế của ngành CNHT Việt Nam, từ việc thực hiện các cơ chế ưu đãi và các chính sách phát triển còn hạn chế; nguồn hỗ trợ từ ngân sách khó khăn; trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh, nhất là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu; việc liên kết, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu gặp khó khăn… đến chậm đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu…

Bộ Công Thương đã xây dựng nghị quyết về phát triển CNHT, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với các cam kết hội nhập; tạo liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành, như: năng lượng, cơ khí chính xác; xây dựng 3 trung tâm CNHT tại ba vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn