MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu giá Bến Lức, Long An. Ảnh: A.C

Bộ GTVT tìm tên khác thay cho "trạm thu giá": Phải sửa sai chứ không cần sửa tên

LINH ANH LDO | 29/05/2018 07:00
Bộ GTVT đã có văn bản trình Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giải thích việc tại sao có cụm từ “trạm thu giá”. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là việc sửa cái tên cho phù hợp với chuẩn mực tiếng Việt mà là làm sao có cơ chế giám sát, thu đúng - thu đủ, minh bạch ở các trạm BOT thì Bộ GTVT chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Khi Bộ GTVT lại “chuyền bóng”

Trong văn bản của mình, Bộ GTVT giải thích thực chất của việc có “trạm thu giá” là “chuyển đổi cơ chế quản lý dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế quản lý giá”. Cụ thể, trước thời điểm 1.1.2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được quản lý theo cơ chế phí ban hành theo Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Sau thời điểm 1.1.2017 khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thì theo danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Phụ lục 02 của Luật Phí và lệ phí này thì có 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”. Như vậy, kể từ 1.1.2017 dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được thực hiện quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại các Thông tư 35/2016/TT-BGTVT và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT Bộ GTVT đưa ra định nghĩa: “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Tuy nhiên, có một số trường hợp các nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá”.

Bộ GTVT thừa nhận việc viết tắt “Trạm thu gia” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua và Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và sẽ yêu cầu Tổng cục ĐBVN làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp.

Trên thực tế, việc các trạm BOT sử dụng cụm từ “trạm thu giá” không phải là tự ý như văn bản giải trình của Bộ GTVT.

Tại Công văn 1296/TCĐBVN-TC do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng ký ngày 9.3.2018 thì chính Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu các nhà đầu tư, các chủ dự án, Tổng công ty thực hiện thay thế biển hiệu “Trạm thu phí” thành “trạm thu giá” đồng thời đôn đốc các Cục Đường bộ kiểm tra, giám sát.

Điều đáng nói là công văn trên, ở phần nơi nhận lại không ghi “gửi Bộ GTVT” để báo cáo. Bởi vậy cái sai khiến dư luận bức xúc không thể do “các nhà đầu tư” mà chính là do “đứa con” Tổng cục Đường bộ. Để rồi trong văn bản giải trình Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ GTVT lờ luôn trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ và “đá bóng” ngay sang các nhà đầu tư BOT.

Văn bản Tổng cục đường Bộ yêu cầu các Chủ đầu tư đổi “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá”.

“Thu giá”, “thu tiền”, “thu vé” hay “thu phí” không quan trọng chỉ là tên gọi

Nhiều bạn đọc của Lao Động khi gửi những bức xúc của mình về khái niệm “trạm thu giá” cũng đã đưa ra những góp ý về việc sửa tên sao cho đúng. Bạn đọc Minh Hải (Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi, nên gọi là trạm thu vé. Hoặc trạm bán vé BOT cũng được”. Trong khi đó bạn đọc Nguyễn Thu Trà đưa ra ý kiến là cần đổi thành “trạm thu... tiền” cho nó cụ thể, dễ hiểu. Tuy nhiên, đa số đều đồng tình vấn đề ở đây không phải là câu chuyện tên gọi và cũng không cần thiết sa đà vào ngữ-nghĩa. Cái cần thay đổi chính là sửa sai - căn nguyên gây bức xúc đối với người dân. Các ý kiến cho rằng: “Bản chất vấn đề nằm ở chỗ nếu Bộ GTVT muốn coi BOT là một loại hàng hoá thì phải minh bạch, công bằng, không độc quyền, độc đạo khi tiến hành các dự án BOT. Nếu phí BOT có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì tự họ có nhu cầu sử dụng đường BOT và ngược lại họ chọn đường khác để đi. Hãy coi BOT như một thị trường chứ không phải chỉ là nơi tìm kiếm lợi nhuận lớn của doanh nghiệp và mục tiêu về hạ tầng của Bộ GTVT trong khi quyền lợi của các thành phần khác thì mặc kệ”.

Trong khi đó, theo con số mới nhất được Kiểm toán Nhà nước công bố hôm 21.5 vừa qua liên quan đến việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thì hàng loạt những sai phạm được đưa ra như chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn với các khoản tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng; 15 dự án không tính hoàn thuế giá trị gia tăng đối với chi phí đầu tư xấp xỉ 1.700 tỉ đồng; 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác 940 tỉ đồng chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính...

Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, vị trí đặt một số trạm chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng.

Rõ ràng vấn đề ở đây không phải câu chuyện ngữ nghĩa hay yêu cầu chủ đầu tư “thay lại tên” cho phù hợp. Điều cần là các dự án BOT phải được kiểm toán chặt chẽ, xây dựng được những phương án tài chính minh bạch.

Có ít nhất hai việc Bộ GTVT cần làm ngay thay vì chuyện đổi tên. Đó là xây dựng mẫu 1km đường cao tốc, để từ đó lấy mẫu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, Thủ tướng đã yêu cầu từ 2 năm nay nhưng Bộ GTVT chưa thực hiện.

Việc thứ hai, là xây dựng tiêu chí đặt trạm thu giá theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng theo văn bản của Văn phòng Chính phủ ngày 23.5 vừa qua.

Và cuối cùng, Bộ GTVT cần cam kết sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “chỉ xây dựng dự án BOT trên các tuyến đường mới để cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn”.

Đó mới là sửa sai, chứ dân không cần “xem đá bóng trách nhiệm” hay chỉ là sửa cái tên.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Sự minh bạch của BOT quan trọng hơn câu chữ

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông - cho biết: Người dân quan tâm sự minh bạch, tính đúng đắn và chính xác của BOT hơn là thứ ngữ nghĩa. Tôi cho rằng, BOT phải thu theo ETC (thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng). Việc này làm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, thương mại hóa giao thông cũng là vấn đề đáng chú ý. Tôi lấy ví dụ, trên một tuyến đường từ A-B, nếu có 2 đường thì nhà đầu tư sẽ làm một tuyến đường tốt hơn, đặt trạm BOT, ai có tiền đi đường đó. Song vẫn phải có đường khác cho người dân, phục vụ công cộng. Đường phục vụ giao thông là chính, không phải để thu tiền. CƯỜNG NGÔ thực hiện

BOT Cai Lậy: Chưa có ý kiến gì từ phía chủ đầu tư

Ngày 28.5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Cty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, Giám đốc Trạm BOT Cai Lậy - cho biết: Ông chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào từ phía nhà đầu tư về chuyện giữ nguyên tên đang dùng “Trạm thu giá” hay đổi thành “Trạm thu phí”. KỲ QUAN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn