MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Vũ Văn Đoàn khởi nghiệp thành công mô hình trồng sen. Ảnh: Mai Dung

Bỏ nghề lái xe container, nông dân Hải Phòng làm chủ đầm sen hơn 50.000m2

Mai Dung LDO | 02/07/2024 18:00

Từ bỏ nghề lái xe container cho thu nhập vài ba chục triệu/tháng, anh Vũ Văn Đoàn (sinh năm 1981, trú xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) về quê cùng vợ khởi nghiệp, biến những cánh đồng sâu trũng bỏ hoang thành vựa sen khổng lồ, thu về hàng trăm triệu đồng/năm.

Bén duyên với sen

Chiều 1.7, vợ chồng anh Vũ Văn Đoàn, chị Ngô Thị Nhâm lội giữa cánh đồng sen hơn 5ha, thu hoạch củ sen ngọt để kịp chuyển cho khách hàng. Người lấm lem từ đầu đến chân, anh Đoàn nở nụ cười tươi, dẫn khách đi tham quan đầm sen.

Kể về cơ duyên với sen, anh Đoàn cho biết, hơn 10 năm trước, anh là lái xe container. Thời điểm đó, mỗi tháng anh Đoàn thu nhập vài ba chục triệu đồng, đủ tiền lo cho gia đình. Tuy vậy, tháng nào cũng đi biền biệt, không có thời gian cho gia đình khiến anh Đoàn trăn trở, bàn với vợ tìm công việc khác để được ở nhà cùng vợ chăm sóc, nuôi dạy các con.

Chị Ngô Thị Nhâm - vợ anh Đoàn - thu hoạch củ sen ngọt, chuẩn bị chuyển đến tay khách hàng. Ảnh: Mai Dung

Thời điểm ban đầu, vợ chồng anh Đoàn thử nghiệm trồng gần 4.000m2 sen bở nông. Thấy trồng sen hiệu quả, vợ chồng anh dần dần mở rộng diện tích, thuê ruộng trũng bỏ hoang của người dân trong thôn để trồng sen. Đến nay, diện tích đầm sen của anh Đoàn lên đến 5,3ha.

Trên diện tích này, vợ chồng anh Đoàn, chị Nhâm trồng 3 giống sen là sen bở, sen lấy củ làm tinh bột và mới thử nghiệm giống sen ngọt. Anh Đoàn cũng dành một phần diện tích để trồng hoa sen Quan Âm, giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, đầm sen của anh chị cho thu hoạch 2 - 3 tạ củ/sào, đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Thành công với mô hình 3 tại chỗ

Để đưa sản phẩm từ sen Hữu Bằng đến với khách hàng, vợ chồng anh Đoàn kết hợp một số cơ sở sản xuất những sản phẩm từ sen như tinh bột củ sen, trà củ sen, trà tâm sen, lá sen khô….

"Gia đình đang triển khai mô hình 3 tại chỗ, trồng tại chỗ, tiêu thụ tại chỗ và sản xuất tại chỗ. Củ sen thu hoạch sẽ được sản xuất thành các sản phẩm tinh bột ngay trong ngày, bảo đảm giá trị dinh dưỡng của củ sen. Nhờ vậy, sản phẩm tinh bột củ sen Vũ Đoàn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài " - chị Ngô Thị Nhâm, vợ anh Đoàn - cho biết.

Sản phẩm củ sen Vũ Đoàn đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Mai Dung

Không chỉ thành công với mô hình trồng sen, vợ chồng anh Vũ Văn Đoàn còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Mong muốn của vợ chồng anh Đoàn là phát triển mô hình trồng sen – nuôi cá, kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ tham quan, check – in. Cùng với đó, đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất các sản phẩm từ sen, đưa thương hiệu sen Hữu Bằng đến với đông đảo người dân.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, toàn huyện hiện có hơn 100ha trồng sen, tập trung ở 2 xã Hữu Bằng và Đại Đồng. Nhiều hộ có diện tích trồng sen từ 5-7ha, sen thu hoạch quanh năm, cho thu nhập cao. Mô hình trồng sen còn giúp giảm đáng kể tình trạng bỏ hoang ruộng; tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Đầm sen của anh Đoàn cho thu hoạch quanh năm với các sản phẩm lá sen, củ sen, ngó sen, tâm sen, hạt sen... Ảnh: Mai Dung

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn