MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử

Lam Duy LDO | 11/11/2019 17:22
Cơ quan ngân hàng trung ương khẳng định, việc quy định rõ về các loại tiền điện tử được phép sử dụng sẽ nhằm loại trừ các loại tiền ảo trên thị trường.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 11.11 cho hay vừa hoàn thiện và đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong dự thảo này, nội dung đáng chú ý là bổ sung các quy định về tiền điện tử, được hiểu là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng.

Ngoài hình thức khá quen thuộc là ví điện tử, quy định về tiền điện tử còn có thêm hình thức tiền di động do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành, định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động và thẻ trả trước do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.

Phân tích các quy định về tiền điện tử tại một số quốc gia, NHNN cho hay tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới mà chỉ là hình thái biểu hiện của đồng tiền dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán.

Tuy nhiên tại Việt Nam, thuật ngữ “tiền điện tử” dù được đề cập tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền nhưng chưa được giải thích tại một số văn bản dưới luật. Đến nay, tiền điện tử tại Việt Nam cũng mới được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức là ví điện tử và thẻ trả trước.

Do đó, NHNN cho rằng việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là thực sự cần thiết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành để phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.

"Việc quy định rõ bản chất, các hình thức thể hiện, đối tượng cung ứng tiền điện tử còn nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý; từ đó làm cơ sở pháp lý để NHNN, các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước" - NHNN nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn