MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Cắt giảm 50% thủ tục không phải vì thành tích

HÀ ANH LDO | 23/09/2017 15:00

Ngày 22.9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Việc Bộ Công Thương công bố cắt giảm một nửa (675) trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh và loại bỏ 420 sản phẩm trong tổng số 720 sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của bộ này trong cải cách thủ tục hành chính.

Cải cách nhưng tuyệt đối không buông lỏng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Việc một lúc cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh và loại bỏ 420 sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan không phải là việc làm lấy thành tích của bộ.

Trong quá trình triển khai, các đơn vị đều tự động rà soát và việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh hoàn toàn tự nguyện, không chỉ loại bỏ thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cũng đồng thời tái cơ cấu bộ máy, tinh giản biên chế để hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, cắt giảm thủ tục để giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa là tháo gỡ bằng mọi giá, buông lỏng điều kiện kinh doanh, mà gỡ khó nhưng đồng thời phải quản lý tốt.

Nêu dẫn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện bộ đã cắt giảm 200 trong tổng số 350 điều kiện kinh doanh nhưng phải đảm bảo quản lý được lĩnh vực này, không vì giảm điều kiện kinh doanh mà buông lỏng.

Khó khăn nhất hiện nay với Bộ Công Thương là có sự chồng lấn giữa các văn bản kiểm tra chuyên ngành do các ngành được phân công phụ trách nên cứ đá nhau. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đồng tình có thực tế này: Một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản chung giữa các bộ, nhưng lại không bộ nào được giao trách nhiệm chính nên cứ giằng co, doanh nghiệp không biết vận dụng ra sao.

Hoặc có trường hợp phổ biến là một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ như phân bón vừa thuộc Bộ Công Thương, vừa thuộc Bộ NNPTNT quản lý. Rồi kiểm dịch động thực vật có tới 10 điểm kiểm tra tập trung liên ngành, ngoài Bộ NNPTNT, các bộ khác không có thiết bị phải mang về Hà Nội hoặc chỉ định đơn vị kiểm nghiệm, test mẫu sinh phẩm rất tốn kém, không hiệu quả.

Vì vậy tới đây, các bộ ngành phải công bố điều kiện hợp quy, mặt hàng nào phân cấp ủy quyền cho địa phương thực hiện thì ủy quyền, tránh chồng chéo.

Vẫn nhiều rào cản

Ủng hộ sự quyết liệt của Bộ Công Thương, song TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng: “Cần những cú đấm then chốt để cải cách một lần là trúng. Bởi Nhà nước là người kiến tạo, cần tạo hành lang pháp lý, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, còn DN là người thực hiện và phải chịu trách nhiệm, quản lý nhà nước phải đồng thuận, phải có một bộ chịu trách nhiệm chính.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI - chia sẻ, đang có hiện tượng các DN “không muốn lớn” do phải chi phí tốn kém vì quá nhiều thủ tục và điều kiện kinh doanh bó buộc. Chẳng hạn, kinh doanh xăng dầu nhiều tỉnh yêu cầu phải có mặt bằng 500m2, ở thành phố phải khoảng 2.000m2, điều này là không phù hợp với điều kiện ở các tỉnh miền núi, có mặt bằng 300m2 đã là rất hiếm. Nếu làm không khéo thì Bộ Công Thương mang tiếng oan vì những quy định tréo ngoe do địa phương ban hành.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong sản xuất, làm ăn kinh tế. Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, các bộ ngành cần tiếp tục rà soát, loại bỏ các văn bản pháp luật chồng chéo.

“Tôi đã báo cáo và Thủ tướng đồng thuận là một mặt hàng chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, xử lý, tránh chồng chéo, thiếu trách nhiệm” - Bộ trưởng nói.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên ngành cần tiếp tục rà soát, giảm thủ tục hành chính trước và sau thông quan; chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường công nhận lẫn nhau giữa hàng hóa có chứng nhận, xuất xứ kiểm định của các nước để miễn cho doanh nghiệp không phải làm xác nhận kiểm định trong nước. Tăng cường hàng hóa gắn mã HS nhằm bảo đảm rõ ràng, thuận tiện cho DN và cơ quan kiểm tra, tránh kiểm tra bằng cảm tính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn