MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Anh Tuấn

Bộ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng về khung pháp lý tiền ảo sau loạt bài của Lao Động

Nhóm PV LDO | 02/11/2023 17:13

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vừa qua có rất nhiều nạn nhân đã lên tiếng tố cáo nhà phát hành game NFT phát triển trên nền tảng blockchain, giao dịch tiền ảo vì có dấu hiệu lừa người chơi, "lùa gà" khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, điều này là trái luật.

Tất cả giao dịch về tiền ảo trong game NFT đều trái pháp luật

Liên quan đến loạt bài "Vạch trần “thế giới ngầm” game NFT" do nhóm phóng viên Báo Lao Động thực hiện, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mới có khung pháp lý điều chỉnh và các quy định sớm về tiền ảo nhằm tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước?

Trước những rủi ro của tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Chính phủ đã giao các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng khung pháp lý.

Điều này cho thấy, ngay từ khi loại hình tiền ảo, tiền điện tử, NFT manh nha tại thị trường Việt Nam, Chính phủ đã nhận diện rất sớm những tiềm ẩn rủi ro về mặt pháp lý của loại hình. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã 6 năm trôi qua, những đơn vị được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể để quản lý tiền ảo, tài sản số.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng quy chế về tiền ảo và tài sản ảo. Song, đây là vấn đề rất khó vì trên thế giới cũng chưa có quy chuẩn rõ ràng, trong khi vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực như công nghệ, bảo mật.

"Vấn đề xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bởi khi ban hành quy định ra thì phải quản lý, tránh các rủi ro về mặt pháp lý cũng như thực hiện" - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Nhiều nạn nhân đã lên tiếng tối cáo nhà phát hành game NFT phát triển trên nền tảng blockchain vì có dấu hiệu lừa người chơi. Ảnh: Tuấn Anh

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vừa qua có rất nhiều nạn nhân đã lên tiếng tố cáo nhà phát hành game NFT phát triển trên nền tảng blockchain, giao dịch tiền ảo vì có dấu hiệu lừa người chơi, "lùa gà" khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, điều này là trái luật.

"Hành lang pháp lý chưa có mà đã giao dịch là hành vi ngoài pháp luật. Trên các nền tảng không gian mạng, các hành vi lừa đảo rất nhiều, do vậy nhà đầu tư phải hết sức cân nhắc" - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Cần nhanh chóng hoàn thiện để ban hành khung pháp lý phù hợp

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội - cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, tiền điện tử, nhưng cũng chưa cấm, chưa có hành lang pháp lý rõ rệt để quản lý.

“Vấn đề này tôi đã thẳng thắn đặt ra trong nghị trường Quốc hội từ khóa trước, đến bây giờ đã hơn 6 năm nhưng vẫn chưa có khung pháp lý cho tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa. Thời điểm đó, lãnh đạo Chính phủ trả lời rằng đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu.

Trong khoảng thời gian dài như vậy, nhưng các cơ quan của Chính phủ được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, chưa có những đánh giá rõ ràng, chưa ban hành được khung pháp lý để quản lý, theo dõi thì đó là chậm trễ trong việc xây dựng chính sách pháp luật cho những vấn đề mới. Đặc biệt là các vấn đề về công nghệ, chúng ta phải đi tắt đón đầu vì công nghệ thay đổi từng ngày, không thể mãi chạy theo sau công nghệ được" - đại biểu Tạ Văn Hạ cho hay.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị các bộ ngành được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ, trong đó có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp... nhanh chóng hoàn thiện để ban hành chính sách, khung pháp lý phù hợp để có ứng xử, quản lý, tạo hành lang pháp lý đối với tiền ảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn