MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng SVB đã quá mạo hiểm khi huy động ngắn hạn và cho vay trung – dài hạn. Đồ hoạ: Trà My

Bóc ngắn cắn dài và bài học đau xót từ SVB

HƯƠNG NGUYỄN LDO | 13/03/2023 09:40

“Điểm chết” dẫn tới sự sụp đổ gây sốc của SVB là ngân hàng này quá mạo hiểm khi huy động ngắn hạn và cho vay trung - dài hạn. SVB có thể không liên quan trực tiếp đến ngân hàng Việt Nam nhưng những bài học về quản trị rủi ro trong ngân hàng là điều đáng lưu ý.

Mất thanh khoản ngân hàng

Bank run - hiện tượng người dân rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng đã xảy ra ở Mỹ và là nỗi ám ảnh cho nhiều ngân hàng.

Trong thời tiền rẻ ngập tràn, tiền gửi từ các start-up công nghệ và các quỹ đầu tư mạo hiểm ồ ạt đẩy vào ngân hàng. Lượng tiền tăng từ 60 tỉ USD từ quý I/2020 đã lên đến hơn 190 tỉ USD vào đầu năm 2022. SBV không biết làm gì và tập trung vào mua trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ và các chứng khoán nợ được chính phủ phát hành.

Và đây chính là nguồn cơn rủi ro khi SVB lấy tiền gửi ngắn hạn của người dân và tổ chức để đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Trong khi tiền gửi ngắn hạn thì có thể bị rút bất kỳ lúc nào, gây ảnh hưởng thanh khoản. Khi FED tăng lãi suất quá nhanh, số trái phiếu của SVB cầm bắt đầu lỗ nặng. Khi người dân và tổ chức kéo nhau đi rút tiền thì SVB buộc bán lỗ trái phiếu để có thanh khoản.

Một chuyên gia khác cho rằng, vấn đề là SVB đã không sử dụng công cụ hedging phòng ngừa rủi ro lãi suất. Đồng nghĩa với việc SVB đã không áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro cơ bản đẩy rủi ro sang người gửi tiền.

Nguy cơ mất trắng tiền do hạn mức bảo hiểm tiền gửi của FIDC quá thâp

SVB sau khi đóng cửa đã bị giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.

FDIC cho biết, những người có bảo hiểm về tiền gửi sẽ được tiếp cận tới khoản tiền gửi của họ chậm nhất là vào sáng thứ hai (13.3). Còn với những người gửi tiền không có bảo hiểm, họ sẽ được trả một khoản “cổ tức tạm ứng trong tuần tới”.

Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư lo lắng nhất lúc này là hạn mức bảo hiểm chỉ có giá trị tối đa 250.000 USD. Nhưng thực tế báo cáo mà SVB gửi tới FDIC trước đó cho thấy 89% tổng số tiền gửi 175 tỉ USD tại ngày cuối năm 2022 nằm ngoài hạn mức bảo hiểm.

Như vậy, có khoảng 150 tỉ USD tiền gửi tại SVB không được chính quyền liên bang Mỹ bảo hiểm. Đồng nghĩa với việc nhiều người có nguy cơ mất trắng tiền gửi tại SVB.

FED và kịch bản "hạ cánh cứng"

Sự việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các quyết định tăng lãi suất của FED trong tương lai. Câu hỏi lớn nhất của thị trường lúc này là FED sẽ làm gì? Cố gắng tiếp tục “hạ cánh mềm” thì lạm phát sẽ tiếp tục cao và phải tăng lãi suất tiếp? Hay chuyển sang kịch bản “hạ cánh cứng”?

Nếu hạ cánh mềm, lạm phát được kiểm soát đúng ở mức mục tiêu 2% thì kinh tế được dự báo chỉ rơi vào suy thoái nhẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ chưa kiểm soát được lạm phát ở mức 2% như mong muốn mà đã gây ra sự đổ vỡ tại ngân hàng thì nhiều khả năng FED phải thay đổi kế hoạch.

Ông Raghuram Rajan - chuyên gia kinh tế nổi tiếng, Cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - cho rằng: “hạ cánh cứng” là đích đến bắt buộc của FED”.          

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn