MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bội thu lộc biển cuối mùa, ngư dân phấn khởi vì có tiền mua sách vở cho con

VÂN HI LDO | 16/07/2023 06:19

Phấn khởi với kết quả bội thu từ khai thác ruốc cuối mùa, nhiều ngư dân tại cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vui mừng vì có thêm thu nhập để mua sách vở cho con chuẩn bị vào năm học mới.

Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng, chúng tôi di chuyển khoảng 36 km về cửa biển Trần Đề cho kịp lúc trời tờ mờ sáng. Đây cũng là lúc cảng biển này náo nhiệt, tấp nập ghe tàu đánh bắt về neo đậu, thương lái thu mua nhộn nhịp. Theo ghi nhận, nhiều ngư dân trở về với tâm trạng phấn khởi sau chuyến khai thác ruốc cuối mùa bội thu.

Anh Trần Văn Trọng (ngư dân ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: "Từ tối hôm qua, chúng tôi đã ra biển để săn ruốc. Được lộc trời, chúng tôi đi theo đúng luồng có nhiều ruốc biển, anh em khai thác được trên 150 kg ruốc tươi".

Ngư dân được lộc biển từ khai thác ruốc cuối mùa. Ảnh: Bích Ngọc

Được biết, mùa ruốc bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 âm lịch năm sau. Thời điểm sau Tết là thu hoạch ruốc được mùa nhất. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, mùa ruốc năm nay hết muộn nên ngư dân được "lộc biển" cuối mùa.

"Do ruốc cuối mùa nên giá cả cũng cao hơn, tăng từ 5 - 10% so với trước Tết nên hầu như các chủ tàu đều có lãi. Sau khi bán cho thương lái, trừ hết mọi chi phí, thu nhập mỗi người cũng được từ 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Nhờ đó, mà tôi có thêm chút tiền mua sách vở chuẩn bị vào năm học mới cho con", anh Trọng nói.

Theo ngư dân địa phương, ruốc được chia làm 2 loại, ruốc làm mắm và ruốc tươi. Ruốc mắm là loại được ngư dân đánh bắt khi mới đưa tàu ra ngoài đến giữa đêm. Từ giữa đêm đến sáng hôm sau, ruốc thu được tươi hơn nên sau khi tàu vào bờ sẽ bán trực tiếp ở chợ để chế biến thức ăn.

Vừa sắp xếp lại ngư cụ sau chuyến đánh bắt ruốc về, bà Phạm Thị Phượng (Trần Đề, Sóc Trăng) tỏ vẻ hồ hỏi: "Tàu nhỏ nên chúng tôi đánh bắt ven bờ. Những năm trước, khoảng tháng 4 âm lịch là hầu như con ruốc rất ít. Lần này may mắn đánh bắt được hơn 80 kg ruốc, lại được giá, anh em bạn thuyền phấn khởi lắm!".

Giá ruốc tươi dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Ảnh: Bích Ngọc

Được biết, số ruốc này bà Phượng đưa về phơi khô, sau đó mới bán cho các thương lái để có giá cao hơn. "Ruốc khô tùy theo loại sẽ có giá dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều ngư dân không vội bán liền sau khi khai thác về mà mang về phơi khô, sau đó mới bán lại",bà Phượng chia sẻ.

Theo các thương lái, nếu mua tại cảng, ruốc dùng để chế biến mắm ruốc có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Giá ruốc tươi được mua với giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thời điểm ruốc vào mùa.

Sóc Trăng hiện có trên 1.000 tàu đánh bắt. Trong đó, chỉ riêng huyện Trần Đề có đội tàu đánh bắt xa bờ trên 600 phương tiện. Với ngư trường rộng lớn, việc đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn