MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng cáo về WeWork trên Facebook (chụp màn hình).

“Bóng bóng” WeWork cảnh báo nạn “ngáo bóng, ngáo giá” trong giới startup

Thế Lâm LDO | 01/10/2019 16:28
Tuần qua giới startup toàn cầu đã chao đảo với trường hợp WeWork (Mỹ) – một startup về chia sẻ không gian làm việc chung - đã bị giới tài chính chứng khoán phố Wall định giá lại, với giá trị mất đi hơn 70%.

Cần biết rằng, tháng 1.2019, WeWork từng được định giá tới 47 tỉ USD, được xem là một “siêu kì lân” (super unicorn) mới trong làng “startup công nghệ”. Doanh nghiệp đã được ông trùm đầu tư công nghệ quyền lực bậc nhất thế giới hiện nay là Masayoshi Son – nhà sáng lập kiêm CEO của SoftBank (Nhật Bản) – chọn lựa để rót vốn.

Việc SoftBank đổ vào nhiều tỉ USD giúp cho WeWork không chỉ có nguồn vốn lớn để hoạt động mà còn tăng nhanh giá trị. Tuy nhiên, giá trị ấy có vấn đề nội tại của nó, là do các nhà đầu tư chiến lược như SoftBank chẳng hạn, quyết định hơn là do thị trường điều chỉnh. Bởi khi ấy, WeWork vẫn chưa IPO, chưa bị sự điều tiết mạnh mẽ và thẳng thừng của qui luật thị trường.

Chỉ đến tháng 8 vừa qua, với bản cáo bạch chuẩn bị cho IPO được công bố, WeWork trở thành một trường hợp bị xăm soi, phân tích nhiều nhất của thời đại startup “kì lân” và “siêu kì lân”. Con số lỗ của nó, tính từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2019 lên đến gần 4,3 tỉ USD. Giá trị của WeWork theo đó bị giới chuyên gia phố Wall đánh xuống chỉ còn từ 10-12 tỉ USD, mất khoảng từ 35-37 tỉ USD so với trước đó.

Trước “đại họa” này, nhà sáng lập kiêm CEO được cho rằng có tính cách lập dị Adam Neumann phải từ chức, và sự kiện IPO bị hoãn chưa biết đến bao giờ.

WeWork “xì hơi” đến mức khủng khiếp đang được đặt ra khả năng rằng đó chính là dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ của tình trạng “bóng bóng” startup trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những “siêu kì lân” được định giá từ 10 tỉ USD trở lên. Tình trạng “bong bóng” satrtup này nếu bùng nổ tạo hiệu ứng dây chuyền và lan rộng có thể còn gây phương hại đến các nền kinh tế.

Trong lịch sử 20 năm trở lại đây đã ghi nhận ít nhất một lần xảy ra tình trạng “bong bóng” trong thế giới công nghệ đó chính là “bong bóng dotcom” những năm 1999-2001 khởi phát từ Thung lũng Silicon (Mỹ) khiến cho kinh tế suy thoái lan rộng ra toàn cầu. Vào thời điểm đó, Việt Nam bắt đầu xây dựng công nghiệp gia công phần mềm với sự hình thành khu công nghệ phần mềm đầu tiên trong cả nước chính là Công viên phần mềm Quang Trung. “Bóng bóng dotcom” đã gây trì trệ đà phát triển của ngành công nghiệp gia công phần mềm Việt Nam ít nhất từ 2-3 năm.  

Cú “xì hơi” đầy bất ngờ của “bong bóng” WeWork đang bị dư luận gọi là “quả lừa” lịch sử trong làng startup toàn cầu. Theo đó, những doanh nghiệp khởi nghiệp lấy danh nghĩa là startup công nghệ, được các nhà đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào rồi định giá cao tới mức phi thực tế phục vụ cho lợi ích riêng của mình.

Trường hợp WeWork đang xới lên tranh cãi về định nghĩa startup công nghệ (ảnh: WeWork).

Trên thực tế, rất nhiều startup tự nhận là công ty công nghệ nhằm để đánh bóng. Sau “bong bóng” WeWork, dư luận đang cho rằng nên xem xét lại sự tự nhận trên. Đơn cử trường hợp WeWork, các chuyên gia phân tích cho rằng bản chất hoạt động của doanh nghiệp này là môi giới cho thuê bất động sản (văn phòng làm việc chung, nơi tổ chức hội nghị) trên một nền tảng công nghệ tốt là ứng dụng kết nối các bên.

Từ WeWork đến Uber, Airbnb, Grab… nếu gọi là các mô hình kinh doanh mới O2O (online to offline) thì không có gì đáng bàn cãi, song sẽ còn tranh luận rất lâu nữa giữa hai định nghĩa đó là công ty công nghệ hay công ty vận tải, kinh doanh cho thuế bất động sản.v.v…  

Theo ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) – Chủ tịch công ty NextTech, từ sự suy sụp của WeWork liên quan tới trách nhiệm của các nhà đầu tư “ngáo bóng” (chuyên thổi bong bóng các startup), những nhà sáng lập thì “ngáo giá” (định giá phi thực tế, phi thị trường) và ám ảnh “bong bóng dotcom” lần thứ hai trở lại sau 20 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn