MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Bóng ma" lạm phát tăng theo giá xăng dầu

Cường Ngô LDO | 28/02/2022 15:54

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng mạnh theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,2% so với cuối năm 2021.

Lạm phát tăng theo giá xăng dầu

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2 này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,42% so với cùng kỳ tháng 2.2021.

Cụ thể, ghi nhận mức tăng cao nhất tháng này là nhóm hàng hóa dịch vụ thuộc ngành giao thông với việc tăng 2,35% so với tháng 1. Tập trung chính vào mặt hàng xăng dầu tăng 5,8% trong tháng khiến CPI chung tăng 0,21 điểm, do ảnh hưởng từ các đợt tăng giá xăng dầu gần nhất.

Giá xăng dầu tăng cao cũng kéo giá vận tải hành khách đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước khi một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu theo giá xăng dầu và ảnh hưởng của dịch bệnh đến số lượng hành khách.

Theo số liệu của cơ quan thống kê, so với cùng kỳ tháng 2.2021, CPI cả nước đã tăng 1,42% với nguyên nhân chính vẫn là nhóm giao thông với mức tăng cao nhất 15,46%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm %. Trong đó, giá xăng dầu tăng 47,07% do từ tháng 2.2021 đến nay xăng A95 tăng 8.200 đồng/lít; xăng E5 tăng 8.500 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.960 đồng/lít.

Lạm phát tăng theo giá xăng dầu. Ảnh: Phạm Dung 

Giải pháp nào?

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác), thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90%, tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, đối với hai lĩnh vực kinh tế cụ thể sử dụng nhiều xăng dầu, nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường. 

Cụ thể, đối với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5%-4,0% và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5,0%-6,0%...  Còn đối với tiêu dùng, xăng dầu của các hộ gia đình không chỉ làm tăng thêm chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hàng ngày 10%, mà còn bị tác động thêm bất lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.

Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, trao đổi với Lao Động, PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, Chính phủ và các bộ ngành cần điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung.

Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, ông Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương cần chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm.

Đồng thời, cần tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho hay, trong bối cảnh xăng dầu tăng cao do biến động từ giá xăng dầu thế giới, Quỹ bình ổn xăng dầu lại không còn dư địa để hỗ trợ, thì Liên bộ Công Thương - Tài chính cần có động thái cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng dầu để hỗ trợ tăng trưởng.

Về dài hạn, nhà chức trách cần nghiên cứu lại cách thức điều hành hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường tự do.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn