MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

BOT giao thông đối mặt với nguy cơ chuyển thành nợ xấu

Lam Duy LDO | 08/11/2019 17:19
Cho đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng cho vay dự án BOT giao thông đạt tới 110.000 tỉ đồng nhưng có đến 50% trong số này là doanh thu không đạt như dự kiến. 

Chia sẻ thông tin tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP” diễn ra hôm nay (8.11) tại Hà Nội, đại diện vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua phần lớn vốn cho các dự án BOT đến từ các ngân hàng.

Tuy nhiên vị này cho hay, do nhiều dự án BOT giao thông do ngân hàng tài trợ vốn có doanh thu không đạt như dự kiến với các nguyên nhân như lộ trình tăng phí không được thực hiện, hay yêu cầu giảm phí dẫn tới nguy cơ nhiều khoản vay của dự án BOT có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, các ngân hàng đến nay cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỉ đồng nhưng có đến 50% trong số này là doanh thu không đạt như dự kiến. NHNN theo đó đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, các địa phương và Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Song đến nay vấn đề vẫn không xử lý được dứt điểm.

Đại diện vụ chức năng NHNN cũng cho rằng, vấn đề cần giải quyết hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Bởi nếu không xử lý được, nợ xấu tại các dự án BOT sẽ ngày càng tăng cao và khó có vốn cho các dự án BOT mới.

Liên quan đến nội dung này, trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, đang có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác nhưng có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

NHNN theo đó đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án cũng như tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Dù đánh giá các dự án BOT giao thông với tổng vốn đầu tư đang đạt khoảng 210.000 tỉ đồng có tác động bổ trợ đáng kể cho ngân sách đang rất hạn hẹp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận việc áp dụng hình thức BOT đang phát sinh nhiều bất cập.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, một phần nguyên nhân là do khung pháp lý cho hình thức này chỉ mới thông qua các nghị định, thông tư, quyết định mà chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh, qua đó đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Trong khi các dự án BOT giao thông thường có thời gian lớn, kéo dài từ 15-20 năm và do đó thường đi kèm với mức độ rủi ro cao.

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ông Nguyễn Đăng Trương cũng thừa nhận, các quy định hiện nay về phương thức đối tác công tư (PPP) vẫn mang tính chất vay mượn từ các văn bản cấp nghị định trở xuống trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn