MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù có giá trị xây dựng dở dang hơn 2.660 tỉ đồng, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đắp chiếu suốt nhiều năm nay. Ảnh: E.T.N

Bột giấy Phương Nam loay hoay chưa xong định giá

cẩm hà LDO | 16/02/2020 08:13
Dù mức giá đấu khởi điểm vào năm 2017 thấp hơn nhiều giá trị đầu tư và xây dựng dở dang thực tế nhưng không có người mua. Phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) đang phải quay lại từ đầu ở khâu định giá.

Khó bán do định giá quá cao

Nhà máy bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi vào năm 2003 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 3.409 tỉ đồng. Chủ đầu tư của nhà máy là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi). Song sau nhiều năm đầu tư mà không thể đưa vào sản xuất kinh doanh, chủ đầu tư dự án được chuyển từ Tracodi sang TCty Giấy Việt Nam (Vinapaco) vào tháng 6.2009. Sau thời điểm này, dự án được đưa vào chạy thử nhưng liên tiếp gặp phải sự cố và buộc phải dừng hoạt động suốt từ tháng 10.2012 đến nay.

Báo cáo của Bộ Công Thương về dự án này cho biết, sau nhiều lần rà soát đánh giá kỹ, Bộ Công Thương khẳng định dự án không đạt được những mục tiêu ban đầu đặt ra do các nguyên nhân về công nghệ thiết bị, nguyên liệu, thị trường, hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Từ đây, Bộ Công Thương kết luận dự án không có hiệu quả, không khả thi và kiến nghị cho phép Vinapaco dừng đầu tư dự án, tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, tại Văn bản số 195/TB-VPCP ngày 12.5.2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương và giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý với dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ.

Trong văn bản mới đây trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về các giải pháp xử lý dứt điểm do dự án không hoạt động nhiều năm gây lãng phí và thất thoát ngân sách Nhà nước, Bộ Công Thương cho hay, chủ trương bán đấu giá toàn bộ nhà máy được Chính phủ đồng ý chấp thuận và sau đó được Vinapaco triển khai ngay từ tháng 7.2017, gia hạn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9.2017. Song cả 3 lần đấu giá này đều không thành công. “Nguyên nhân là do giá trị thẩm định của dự án theo các quy định hiện hành là quá cao và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục triển khai bán đấu giá dự án trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành công” - văn bản của Bộ Công Thương đánh giá.

Nhiều năm chưa xong định giá

Để xử lý việc bán đấu giá không thành công tài sản dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cho hay, Vinapaco được yêu cầu tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn định giá tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của dự án theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật có liên quan. “Thực hiện chỉ đạo, ngày 3.4.2019, Vinapaco có Văn bản số 73 gửi Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả thẩm định giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của dự án. Dự án thuộc nhóm A, việc định giá toàn bộ tài sản cố định và hàng tồn kho của dự án để thực hiện bán đấu giá có nhiều yếu tố đặc thù, kết quả định giá tài sản cố định và hàng tồn kho của dự án theo giá thị trường làm cơ sở xác định giá khởi điểm thực hiện bán đấu giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị đầu tư, có thể ảnh hưởng trọng yếu đến việc bảo toàn vốn nhà nước tại Vinapaco” - văn bản của Bộ Công Thương cho biết.

Sau nhiều năm, việc định giá tài sản Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam lại quay về xuất phát điểm. Ảnh: H.Q

Với những đặc thù trên, đến ngày 5.8.2019, Bộ Công Thương có Công văn số 5611 chỉ đạo Vinapaco chuyển kết quả, hồ sơ định giá toàn bộ tài sản cố định, hàng tồn kho của dự án cho Kiểm toán Nhà nước và phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định. Đến lúc này, công đoạn định giá tài sản dự án tưởng như cơ bản hoàn tất nếu không có việc Vinapaco mới đây lại bất ngờ mời thầu lựa chọn nhà thầu định giá tài sản cho dự án thêm một lần nữa. Theo dữ liệu của Hệ thống Mạng đấu thầu Quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gói thầu 20191265947-01 mới nhất mà Vinapaco vừa thông báo chỉ mới đóng thầu vào ngày 20.1.2020. Dữ liệu từ Hệ thống Mạng đấu thầu Quốc gia cũng cho thấy, đây là lần thứ 2 Vinapaco tổ chức mời thầu tư vấn định giá tài sản cho Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam sau các đợt đấu giá không thành công vào các tháng 7, 8 và 9.2017. Lần gần đây nhất là vào tháng 9.2018, Vinapaco cũng mới thầu tư vấn định giá tài sản cho dự án này. Sau rất nhiều năm, phương án xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thông qua bán đấu giá dường như đang quay về xuất phát điểm ban đầu.

Vinapaco khó khăn trong cổ phần hóa

Theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) là một trong 2 đơn vị thuộc Bộ Công Thương phải hoàn thành cổ phần hóa trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương cuối năm 2019, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng, dù Bộ Công Thương đang thực hiện rà soát toàn bộ quy trình và thủ tục để tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp này nhưng với riêng trường hợp của Vinapaco, quá trình cổ phần hóa hiện gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Một trong những nguyên nhân theo phân tích của đại diện Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) chính là do những vướng mắc trong quá trình bán tài sản của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương làm ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa Vinapaco.

Hơn nữa, với đặc thù có nguồn liệu rộng khắp từ các nông, lâm trường trên cả nước cũng như sở hữu nhiều cơ sở nhà đất, Vinapaco khi tiến hành cổ phần hóa sẽ phải hoàn tất phương án sử dụng đất theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. “Liên quan đến xử lý tài chính cũng tồn tại nhiều khó khăn về kiểm toán, cần thời gian thực hiện và sau khi xử lý phương án đất mới ra được quyết định cổ phần hóa” - bà Nguyễn Thị Hoa nói.

Thông báo bán đấu giá tài sản Nhà máy Bột giấy Phương Nam của Vinapaco vào năm 2017 cho thấy, mức giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho gắn liền với quyền sử dụng 453.755m2 đất thuê là 1.885,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay trong báo cáo kiểm toán năm 2018 độc lập, kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chỉ ra rằng, dù thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết nhưng không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để có thể đưa ra ý kiến về số dư hàng tồn kho là nguyên liệu đay, hóa chất và phụ gia cho sản xuất của Ban quản lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại ngày 31.12.2018 với số tiền 28,8 tỉ đồng. “Thậm chí kiểm toán viên cũng không nhận được đầy đủ các biên bản đối chiếu công nợ tại ngày 31.12.2018 và 31.12.2017 giữa Ban quản lý Dự án với các cá nhân, đơn vị tham gia thực hiện dự án” - báo cáo kiểm toán nhấn mạnh.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của Tổng Công ty giấy Việt Nam (Vinapaco), giá trị xây dựng dở dang của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam tính đến cuối năm 2018 là hơn 2.660,4 tỉ đồng. Báo cáo tài chính này cũng cho thấy, tổng số nợ phải trả của Vinapaco ở thời điểm ngày 31.12.2018 ở mức 4.605 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 1.482 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả gấp tới hơn 3 vốn chủ sở hữu của đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề an toàn tài chính của Vinapaco.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn