MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Tổng cục Thống kê, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5% (ảnh minh họa). Ảnh: Hoàng Bin

Bức tranh tăng trưởng kinh tế tích cực, kiểm soát tốt lạm phát

Thạch Lam LDO | 31/08/2024 06:00

Mặc dù còn gặp nhiều thách thức, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn duy trì được xu hướng tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%.

Tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%, 7 tháng tăng 8,7%.

Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước, nếu không có biến động lớn, Tổng cục Thống kê cho rằng, có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) kiến nghị các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường; Ngành điện đảm bảo cung ứng đầy đủ cho sản xuất và tiêu dùng.

Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.

Tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…)...

Mục tiêu kiểm soát lạm phát hoàn toàn khả thi

Theo Tổng cụ Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.2024 tăng 0,48% so với tháng trước.

Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Tổng cục Thống kê dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Đơn cử, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất những tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi. Để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) khuyến nghị cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước. Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm, không nên dồn vào cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025. Ngoài ra, cần phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra" - bà Nguyễn Thu Oanh nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn