MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Buôn bán ế ẩm, loạt cửa hàng ở trung tâm TP Cần Thơ trả mặt bằng

VÂN HI LDO | 23/05/2024 10:29

Buôn bán ế ẩm, kinh doanh khó khăn nhiều cửa hàng tại khu vực trung tâm TP Cần Thơ lần lượt đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng khiến chủ cửa hàng ngậm ngùi tiếc nuối.

Từng thuê 4, giờ còn 1

Ghi nhận tại các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ nối dài, Mậu Thân… (quận Ninh Kiều), là một trong những nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang ở Cần Thơ, thế nhưng không khí mua sắm tại đây hiện vắng lặng. Nhiều cửa hàng cửa đóng, then cài, treo biển cho bán hoặc cho thuê lại mặt bằng.

Đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), còn được gọi là tuyến đường thời trang, hiện không khí mua sắm khá vắng vẻ. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Nguyễn Văn Hận (chủ quán nước trên đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: “Hồi đó đường này người dân đi mua sắm nhiều, nhộn nhịp lắm. Từ sau dịch COVID-19, có nhiều cửa hàng đóng cửa chắc vì họ làm ăn khó khăn. Theo tôi quan sát, cửa hàng lâu thì đóng cửa hơn 1,5 năm, mới thì tầm vài tháng”.

Phóng viên liên hệ qua số điện thoại được in trên biển cho thuê, chủ cửa hàng là anh N.V.T (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, việc đóng cửa, sang lại mặt bằng đã gần một năm nay do kinh tế khó khăn, không có doanh số, lợi nhuận chỉ vừa đủ trang trải điện, nước.

Những căn nhà chờ khách đến thuê tại đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Bích Ngọc

“Cách đây 3 năm, tôi bỏ ra từ 20 - 100 triệu đồng/tháng để thuê 4 mặt bằng tại các tuyến đường trung tâm. Thế nhưng vì sức mua không có, tiền thuê mặt bằng quá cao, không tuyển được nhân sự tôi phải đành đóng cửa, giờ chỉ còn 1 cửa hàng bán cầm chừng. Đóng cửa, tôi xót lắm vì đó là đứa con tinh thần, tâm huyết của tôi”, anh T nói.

Theo chủ cửa hàng này, cũng có một số khách hàng liên hệ hỏi giá nhưng sau khi trao đổi không thấy họ liên hệ lại. Dù chủ động hạ giá, nhất là với những mặt bằng ở vị trí đẹp, diện tích rộng nhưng vẫn kén người thuê. Cứ thế, cửa hàng anh T đóng cửa gần 1 năm qua.

Chật vật duy trì

Hiện nay, cửa hàng thời trang còn lại của anh T có nhiệm vụ gồng gánh tất cả các chi phí từ mặt bằng, điện nước đến chi phí thuê nhân viên. Anh T tìm nhiều cách, kinh doanh từ trực tiếp đến online với hy vọng cầm cự được “đứa con tinh thần cuối cùng” của mình.

“Tôi tạo 4-5 tài khoản để bán trên mạng xã hội với hy vọng nhiều khách hàng biết đến. Nhiều lúc cũng giảm giá, xả hàng để thu hút khách nhưng chỉ có những đợt lễ lớn thì doanh số ổn hơn một chút, ngày thường nhiều lúc cửa hàng chỉ có nhân viên”, anh T nói.

Chủ cửa hàng kết hợp kinh doanh nhiều hình thức để tăng doanh số. Ảnh: Bích Ngọc

Trong khi đó, thay vì thuê nhiều mặt bằng nhỏ lẻ chị N.T.H (chủ cửa hàng thời trang đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) quyết định chỉ thuê một mặt bằng diện tích lớn để giảm chi phí.

“Tôi thuê 1 căn nhà 3 tầng kinh doanh các mặt hàng thời trang để giảm nhẹ gánh nặng mặt bằng, thuê nhân viên, cũng như dễ quản lí. Thời buổi khó khăn, việc kinh doanh không còn thuận lợi như trước, nên làm gì cũng phải tính toán kĩ nếu không sẽ lỗ nặng”, chị H nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn