MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ vắng khách, tiểu thương đành ngồi không. Ảnh: Mỹ Ly

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương tạm gác chuyện về quê

MỸ LY LDO | 14/11/2023 08:40

Việc buôn bán ế ẩm đã khiến nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống gặp khó. Theo đó, gánh nặng tiền thuê lô, điện, nước,… buộc lòng họ phải tạm gác chuyện về quê. Bởi với tiểu thương, nghỉ 1 ngày, bên cạnh hàng hóa ế ẩm, họ phải chịu đến 200.000 đồng tiền thuê lô.

Sắp tan chợ, hàng vẫn còn nhiều

Ngoài bán cho người dân địa phương, sạp hàng của chị Mai (tiểu thương bán hải sản, quê Sóc Trăng) còn phục vụ nhu cầu của anh chị em công nhân vì gần khu công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian này, công nhân bị giảm giờ làm, có khi 1 tuần chỉ đến công ty 3-4 ngày, thu nhập không có dẫn đến sức mua cũng giảm mạnh.

Đến chiều, sạp hàng của chị Mai vẫn còn nhiều. Ảnh: Mỹ Ly

Nếu trước đây, chị Mai bận rộn luôn chân luôn tay vào giờ tan ca của công nhân thì nay lại có thể ngồi thảnh thơi ăn uống, nói chuyện.

“Hồi đó, lượng khách đi chợ nhiều, nhất là giờ tan ca, công nhân chen chúc nhau mua hàng. Riêng ngày thứ 7, Chủ nhật chỉ bán buổi sáng đã thấy hải sản vơi đi. Giờ thì ngày nào cũng như ngày nào, công nhân ra lưa thưa một lát rồi thôi, gần tan chợ mà sạp ai cũng còn nhiều hàng. Nếu lúc trước mỗi ngày, tôi bán được khoảng 1 triệu đồng thì nay giảm chỉ còn 500.000 đồng”, chị Mai kể lại.

Chợ vắng khách, thưa thớt giờ tan tầm. Ảnh: Mỹ Ly

Mấy tháng nay, tình hình buôn bán của bà Huệ (tiểu thương bán trái cây, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) không mấy khả quan. Bà cho biết, phần vì sạp trái cây của mình nằm sâu bên trong, phần vì tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đều thắt chặt chi tiêu.

“Kế bên có khu công nghiệp nhưng tôi bán cũng không đỡ hơn. Giờ tan làm, công nhân vào xem chứ mua ít lắm. Chưa kể, trái cây không để được lâu, dễ hư hao. Có loại chỉ để được 2-3 ngày, bán không kịp là lỗ ngay. Chẳng hạn như nho, 1kg chỉ lời tầm 10.000 – 20.000 đồng nhưng mỗi lần rụng, dập là gần cả kg, hụt vốn cả trăm nghìn đồng”, bà Huệ chia sẻ.

Tạm gác chuyện về quê

Nhiều tháng nay, buôn bán khó khăn, hải sản nhập vào phần lớn đều lên giá nhưng để giữ chân khách hàng, chị Mai đành giữ giá bán cũ. Vì nếu tăng giá thì bán không được, nhu cầu của người tiêu dùng là “ngon - rẻ”. Cho nên, thu nhập giảm, chị Mai phải tiết kiệm chi tiêu trong gia đình bằng cách “bán gì ăn đó”.

Đặc biệt, tiểu thương này không dám tính đến chuyện về quê thăm nhà. Bởi với chị, nghỉ một ngày, bên cạnh hàng hóa ế ẩm, chị còn phải chịu hơn 200.000 đồng tiền thuê mặt bằng.

“Quê tôi ở Sóc Trăng, nếu đi xe khách thì tầm 1 giờ 30 phút là đến. Nhưng ngán nhất là ngoài tiền xe cộ, tôi còn phải đóng 220.000 đồng/ngày cho 2 lô bán hàng. Nếu bây giờ về quê chơi 2-3 ngày rồi lên lại, chưa kể ăn, uống, tôi cũng tốn ít nhất 600.000 – 700.000 đồng tiền mặt bằng. Trong khi đó, buôn bán thì bấp bênh”, chị Mai chia sẻ.

Sạp trái cây của bà Huệ nằm sâu trong chợ. Ảnh: Mỹ Ly

Là thu nhập chính của gia đình, tiền bán trái cây của bà Huệ chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày cũng như trả tiền thuê mặt bằng: “Lô tôi thuê có giá 100.000 đồng/ngày. Cứ bán đến trưa vắng khách, tôi lại chạy về nhà lo cơm nước và chăm chồng bị bệnh. Tuy buôn bán khó khăn nhưng giờ lớn tuổi tôi không biết làm gì, chỉ cố gắng bám trụ cộng với con cái phụ thêm để trang trải cuộc sống và lo cho chồng bị bệnh”.

Dù vắng khách, buôn bán ế ẩm nhưng bà Huệ vẫn phải lên hàng đều đều. Theo bà, nếu không nhập hàng nhiều, khách thấy ít ỏi cũng không muốn ghé xem. Còn nếu nhập nhiều, bán không kịp, hư hao thì lại lỗ, trong khi vốn bán trái cây không nhẹ. Cho nên, mỗi lần nhập hàng, tiểu thương này chỉ mong bán hết nhanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn