MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng quản lí thị trường TPHCM kiểm tra một cửa hàng nghi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả. Ảnh: Ngọc Lê

Buôn lậu, hàng giả tại TP Hồ Chí Minh không giảm

NGỌC LÊ LDO | 29/04/2023 06:53

Nhận định về tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương  mại tại TPHCM, đại diện Cục Quản lí thị trường thành phố cho biết: “Tình trạng này không có dấu hiệu giảm, các cơ sở kinh doanh ngày càng có những chiêu trò tinh vi khiến nhà chức trách gặp khó trong các khâu xử lí vi phạm”.

Dạo quanh các khu chợ nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, ông Hyosung (du khách từ Hàn Quốc) không khỏi bất ngờ khi có thể mua một chiếc túi có thương hiệu nổi tiếng chưa tới 500.000 đồng. “Tôi thấy ở những khu chợ ở đây đều có các cửa hàng bán đồ có thương hiệu nhưng giá chưa đến 1 triệu đồng. Nhìn qua thì có tem, mác đầy đủ nhưng đường may và màu sắc thì tôi nghĩ đây là hàng tự gia công" - ông Hyosung nói.

Các sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng bày bán không chỉ ở các khu chợ mà còn ở nhiều cửa hàng. Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. 
Hàng nhập lậu, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Lê 

Theo Quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2023, thành phố kiểm tra chuyên ngành và liên ngành hơn 12.000 vụ, giảm 60% so với cùng kì năm trước, nhưng số vụ vi phạm tăng gần gấp đôi. 

Cụ thể, đơn vị đã phạt hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 23 tỉ đồng, tăng 151% so với cùng kì 2022. Trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 15 tỉ đồng (tăng 15,27% so với cùng kì năm trước). Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỉ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 18,7 tỉ đồng.

Trong tháng 4, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 90 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 185.545 đơn vị sản phẩm. 111 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 49.187 đơn vị sản phẩm. Về hàng giả, có 129 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 12.321 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ… giả nhãn hiệu Rolex, Hermes, Burberry, Dior...

Đáng chú ý, đã xảy ra tình trạng vi phạm liên quan đến xăng dầu kém chất lượng tại Công ty Cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp - Trạm xăng dầu Quận 12 (212 Quốc lộ 1A, khu phố 3, phường An Phú Đông, Quận 12).

Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm. Tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay cơ bản đã ổn định. Tuy nhiên cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động của các cửa hàng xăng dầu để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi ngưng bán hàng không có lí do chính đáng, hành vi găm hàng.

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường trong những năm qua và tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn sắp tới.

Hiện nay, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam, bởi vị trí địa lý Việt Nam khá thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia. Cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng chưa cao nên việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... đang là một vấn nạn tại thị trường nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn