MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hộ nuôi cá trên hồ Thác Bà buồn phiền mùa nước cạn và vui sướng khi hồ nước đầy, cá phát triển nhanh. Ảnh: Trọng Lộc

Buồn vui nghề nuôi cá lồng trên mặt hồ Thác Bà

Trọng Lộc LDO | 05/10/2023 13:18

Yên Bái - Mực nước hồ thủy điện Thác Bà không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Điện mà còn liên quan trực tiếp đến người nuôi trồng thuỷ sản.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà (ở tổ 13, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) làm nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã gần 10 năm nay. Hồi giữa năm khi mực nước xuống thấp kỷ lục, gia đình bà đã phải di chuyển 80 lồng cá từ xã Thịnh Hưng về thị trấn Yên Bình với khoảng cách hơn 10 km đường thuỷ.

“Trong quá trình di chuyển, mực nước không ổn định, kèm theo nắng nóng, ngưng đọng nhiều bùn bẩn dẫn đến lượng ôxy trong nước thiếu hụt làm 5 tấn cá các loại đang trong chu kỳ phát triển bị chết. Khi di chuyển lồng cá còn phải làm lại đường điện, lối đi lối lại, kiểm tra cọc bên dưới rất tốn kém và vất vả” - bà Hà tâm sự.

Các hộ nuôi cá trên hồ Thác Bà lo lắng tìm cách ứng biến để vượt qua những khó khăn trong mùa nước cạn. Ảnh: Trọng Lộc

Đến khi hồ Thác Bà nước đầy, gia đình bà Hà lại chuyển lồng cá về khu vực ban đầu bởi đây là địa điểm lòng hồ có nhiều thủy sản tạo thức ăn chính cho cá và ít dịch bệnh.

Chưa kể, để cá nuôi phát triển ổn định sau một thời gian thiếu nước, bà Hà đã thực hiện bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho cá nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Sau mùa nước cạn kéo dài khoảng 4 tháng, đến thời điểm này, mực nước hồ Thác Bà đã đạt 53,41m, đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trọng Lộc

Ông Đặng Văn Vấn - 1 trong 12 hộ nuôi cá lồng tại thôn Đồng Tý (xã Phúc An, huyện Yên Bình) -  vẫn nhớ như in thời điểm đầu tháng 6.2023 khi mực nước hồ Thác Bà là 45,52 m, thấp hơn mực nước chết 48 cm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân nuôi cá lồng trên hồ.

“Sau hai thập niên, mực nước hồ Thác Bà mới xuống thấp như vậy, nhà máy phát điện cũng phải hoạt động cầm chừng. Còn mặt hồ, cá chết như ngả rạ, chúng tôi chỉ biết vớt bỏ đi để tránh dịch bệnh” - ông Vấn kể.

Môi trường hồ Thác Bà rất thích hợp cho việc nuôi các loại cá đặc sản. Ảnh: Trọng Lộc

Anh Lê Văn Thư (ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình) - người gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà 7 năm nay - chia sẻ, cũng như nhiều gia đình khác trên vùng hồ, gia đình anh duy trì nuôi số lồng cá trên diện tích mặt nước sẵn có. Với trên 50 lồng cá các loại, anh đã xuất bán ra thị trường trên 20 tấn cá. Trong đó, chủ yếu là các loại cá như: Cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm đen, ngạnh…

“Trước đây, bản chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích, gia đình tôi đã đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Từ đó, kinh tế gia đình khá hơn, mua sắm được nhiều thứ cho cần thiết cho gia đình” - anh Thu nói.

Anh Thu cho biết, để đảm bảo ôxy và môi trường sống cho cá, ngoài thường xuyên chuyển các lồng cá ra vị trí có mực nước từ 20 m trở lên, anh còn phải sử dụng hệ thống sục bổ sung ôxy, máy bơm tạo dòng nước làm mát… cho cá.

Ngành chức năng tỉnh Yên Bái và người dân đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như duy trì, phát triển nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà. Ảnh: Trọng Lộc

Bà Đào Thị Thanh Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình - cho hay, địa phương cũng triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các hộ gia đình nuôi cá lồng, tổ chức thả cá bổ sung cho hồ Thác Bà nhằm tái tạo cân bằng sinh thái.

Đến nay, toàn huyện có gần 2.000 lồng nuôi cá của hàng trăm hộ dân. Địa phương đang nỗ lực phát triển thêm trên 200 lồng, đưa sản lượng khai thác cá đạt 8.400 tấn/năm. Để đạt mục tiêu này, ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi cần chủ động theo dõi thời tiết, có các biện pháp đảm bảo môi trường sống cho cá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn