MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cá lòng hồ Hòa Bình chết hàng loạt, nhiều hộ dân lao đao

Văn Đức LDO | 10/07/2021 11:37

Nhiều gia đình nuôi cá ở vùng lòng hồ Thủy Điện Hòa Bình thuộc huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đang lao đao vì cá lồng bỗng dưng chết hàng loạt.

Nắng nóng, nước sục bùn

Theo báo cáo của UBND huyện Đà Bắc, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.2021, lượng mưa ít, mực nước sông Đà xuống thấp, cùng với đó là thời tiết nắng nóng đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, gây thiếu ôxy trong nước làm cá chết hàng loạt, bao gồm cá tự nhiên và cá nuôi lồng của các hộ dân, tập trung ở 6 xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa.

Theo thống kê đến ngày 8.7, trên địa bàn huyện Đà Bắc, tổng số cá chết tại các xã trên hơn 33 tấn, chủ yếu là cá trắm đen, trắm trắng, cá chiên, lăng... từ 3kg trở lên khiến cho người dân chịu nhiều thiệt hại.

Những ngày đầu tháng 7.2021, PV Báo Lao Động đã trực tiếp có mặt tại khu vực lòng hồ ở huyện Đà Bắc. Tại đây, có thể dễ dàng nhận thấy mức nước lòng hồ xuống rất thấp để lộ ra những khu vực đất ven hồ khô cằn.

Phía dưới hồ là những lồng cá cùng với những người dân thẫn thờ nhìn những con cá của mình chết trắng.

Toàn huyện Đà Bắc có khoảng 2.000 lồng cá của các gia đình nuôi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Trao đổi với PV, ông Đinh Công Tiện (44 tuổi, ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) vừa tất bật kiểm tra số cá tại lồng vừa cho biết, gia đình ông có 6 lồng cá nuôi hơn 2 năm với tổng sản lượng ước tính gần 2 tấn nếu xuất bán.

Tuy nhiên, từ ngày 6 - 8.7, cá của gia đình bị chết hàng loạt, ước tính đã hơn 1 tấn, số còn lại chỉ tầm 3 tạ.

Theo ông Tiện, gia đình đang rất lo lắng vì số tiền mà họ bỏ ra để đầu tư nuôi cá hoàn toàn từ vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Đà Bắc.

Nhiều hộ gia đình không biết làm sao có tiền trả nợ khi vốn liếng dồn hết vào việc đầu tư nuôi cá nhưng giờ đã mất sạch.

“Cả năm trời gia đình chỉ trông chờ vào tiền bán cá để có đồng ra, đồng vào, giờ mất trắng hết, gia đình không biết làm sao”, ông Tiện chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh như ông Tiện, anh Sa Ngọc Hưng (ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) có 8 lồng nuôi cá. Khi thấy các gia đình xuất hiện cá chết, anh Hưng đã vớt cá để bán sớm, tránh mất trắng như một số gia đình khác trong xã.

Mong các giải pháp hỗ trợ

Thông tin đến PV, ông Xa Văn Thức – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay: "Trên địa bàn xã có hơn 400 hộ với hơn 700 lồng nuôi cá. Xã chủ yếu là người dân tộc Mường, cuộc sống còn nhiều khó khăn, sinh sống dựa vào chăn nuôi và trồng rừng".

Nhiều hộ dân cố vớt cá bán để tránh mất trắng.

"Tại xã Tiền Phong, số hộ nghèo lên tới gần 46% nên các gia đình nuôi cá lồng chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư làm lồng, mua con giống. Do đó, khi cá đột ngột chết trong những ngày qua, họ rất lo" - Ông Thức cho biết thêm.

Trước tình trạng trên, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát, thống kê và lên các phương án hỗ trợ giải cứu số cá đang có nguy cơ bị chết trên khu vực lòng hồ.

Tính đến ngày 8.7, hơn 33 tấn cá bị chết do nắng nóng, nước hồ xuống thấp, sục bồn ảnh hưởng nặng nề tới các hộ dân.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, toàn huyện có khoảng 2.000 lồng cá trên vùng lòng hồ Thủy Điện Sông Đà.

Khi xuất hiện cá chết nhiều, huyện đang chỉ đạo các đơn vị thống kê số liệu, tình hình thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh có những hỗ trợ, giúp đỡ đối với các gia đình nuôi cá lồng gặp khó.

Đồng thời, huyện kiến nghị với các ngân hàng có chính sách cho người dân giãn hoãn nợ, giúp các gia đình có tạo điều kiện tái đàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn