MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do không có chợ gỗ nên người trồng rừng Cà Mau mỗi năm mất trên 100 tỉ đồng.

Cà Mau: Doanh nghiệp kiến nghị tỉnh lập chợ gỗ tại rừng U MInh Hạ

Nhật Hồ LDO | 22/08/2017 18:48
Với diện tích 7.400 ha trồng keo lai, trung bình mỗi năm khai thác khoảng 200.000 m3 gỗ, Cà Mau có nhiều cơ hội để phát triển ngành chế biến gỗ nếu được đầu tư hợp lý.

Trước sự phát triển “nóng” của cây keo lai thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trồng và chế biến gỗ tại U Minh Hạ, Cà Mau kiến nghị tỉnh nên xem xét thành lập chợ gỗ tại huyện U Minh.

Bà Trần Thị Ánh Nga - Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư Thúy Sơn - kiến nghị, cần đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, liên kết trong quản lý phát triển rừng bền vững để đạt chứng nhận quốc tế FSC-FM, tạo được thương hiệu và xây dựng chợ gỗ, tạo thị phần gỗ Cà Mau với thị trường gỗ quốc tế, chắc chắn, giá trị sản xuất của mỗi ha rừng đạt tới 400 triệu đồng/ha/chu kỳ vào năm 2020, tăng khoảng 150 triệu đồng so với thời điểm hiện nay.

Bà Nga kiến nghị tỉnh cần có cơ chế nhanh chóng xây dựng chợ gỗ đầu mối ở khu vực để phục vụ các doanh nghiệp nhập khẩu, tổ chức thu mua gỗ nguyên liệu nội địa, cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất.

Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu cho biết, do đầu tư thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng; thiếu liên kết, chưa xây dựng được thương hiệu để kết nối thị phần gỗ Cà Mau với thị trường gỗ quốc tế nên hằng năm, người dân dưới tán rừng mất gần 100 tỉ đồng từ việc bị tư thương ép giá và cước phí vận chuyển lâm sản từ nơi khai thác đến nơi tiêu thụ. Đó chưa kể đến thất thoát lâm sản sau khai thác, do vận chuyển qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian gỗ bị hao ngót.

Để giải quyết đầu ra ổn định cho cây keo lai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, Cà Mau sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp thuê rừng sản xuất trồng thâm canh cây keo lai. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển trồng rừng thâm canh keo lai nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định và nâng cao đời sống của người dân vùng rừng U Minh Hạ. Cà Mau cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ xây dựng các cơ sở chế biến liên kết với vùng nguyên liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn