MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng sẽ dễ dàng đánh giá điều kiện của khách hàng hơn với Thông tư 02. Ảnh: Đình Hải

Cả ngân hàng và người vay vốn hưởng lợi với Thông tư 02

Lam Duy LDO | 24/04/2023 17:49

Ngân hàng dễ triển khai và người vay vốn cũng được hưởng lợi do các điều kiện để được cơ cấu nợ trong Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước được nới lỏng hơn.

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày hôm nay (ngày 24.4) trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

"Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng" - Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Đánh giá về tác động của thông tư mới với người vay vốn và các ngân hàng, Công ty Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) trong báo cáo phân tích phát đi chiều ngày 24.4 nhận định, việc nới lỏng hơn về điều kiện được tái cơ cấu nợ giúp các ngân hàng có tiêu chí cụ thể để dễ dàng đánh giá điều kiện của khách hàng hơn.

Thông tư 02 nới lỏng hơn về điều kiện được tái cơ cấu nợ. Ảnh: Báo cáo phân tích của BSC

Bởi thay vì các tiêu chí chung chung như "hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do nguyên nhân khách quan" trong dự thảo thông tư, Thông tư 02 quy định rõ hơn điều kiện khách hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ là khi TCTD đánh giá khách hàng có doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng thỏa thuận.

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước cũng có công thức xác định rõ số tiền dự phòng cụ thể mà ngân hàng phải trích bổ sung khi cơ cấu nợ cho người vay vốn.

"Phương án mới này cho phép các ngân hàng trích dần chi phí dự phòng trong 2 năm. Giúp giảm áp lực trích lập dự phòng lên ngân hàng so với dự thảo cũ" - BSC nhận định.

Đáng chú ý cũng theo BSC, trong Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn.

Theo BSC, yêu cầu này nhằm nhấn mạnh về việc đơn giản hóa các thủ tục để dễ triển khai.

Điều này giải thích vì sao trong Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng phải gửi 1 bản quy định nội bộ về việc triển khai cơ cấu thời gian trả nợ cho cơ quan ngân hàng trung ương. Việc này vừa nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn về các tiêu chí tái cơ cấu của ngân hàng thương mại, vừa hạn chế rủi ro hệ thống tiềm ẩn của ngân hàng.

"Thông tư 02 mang hướng nới lỏng hơn so với dự thảo cũ, giúp các TCTD dễ triển khai hơn, từ đó nhiều khách hàng sẽ được hưởng lợi từ thông tư hơn. Bên cạnh đó, áp lực lên lợi nhuận của ngân hàng cũng sẽ được giảm bớt khi ngân hàng vẫn được hạch toán lãi dự thu và có thể được giãn chi phí dự phòng ra 2 năm" - BSC nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn