MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ NNPTNT khẳng định không thiếu thịt lợn cũng như thịt gia súc, gia cầm phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Vũ Long

Cả nước đủ năng lực cung ứng thực phẩm, thịt lợn tiêu Tết

Vũ Long LDO | 25/10/2021 19:23

Nguồn cung thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt lợn đảm bảo đủ cho nhu cầu tiêu dùng, kể cả Tết Nguyên đán. 

Lấy nơi thừa cung ứng đến nơi thiếu

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cho biết: “Tổng đàn lợn cả nước đến hết tháng 9.2021 đã đạt trên 28 triệu con, đủ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9.2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu đã góp phần thỏa mãn nhu cầu chế biến thực phẩm của các doanh nghiệp, nên nguy cơ thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên Đán 2021 càng khó xảy ra.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), 9 tháng năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước (năm 2020 nhập 599 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 225,5 nghìn tấn, chiếm 6,4% tổng sản lượng thịt lợn trong nước).

Chiều 25.10, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức, Cục Chăn nuôi cho biết: Do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con). Về nguồn cung, hiện nay năng lực cung ứng thịt và các loại thực phẩm phục vụ người tiêu dùng vẫn đảm bảo, kể cả vào dịp Tết Nguyên đán 2023.

Cụ thể, khu vực phía Nam, TPHCM và Cần Thơ là 2 địa phương có nhu cầu thực phẩm cao. Trong đó,TPHCM nhu cầu hàng ngày khoảng 1.600 tấn thịt các loại (tự cung ứng được 10%) và 2,2-2,5 triệu quả trứng (tự cung ứng được khoảng 5%). Cần Thơ nhu cầu hàng ngày khoảng 130-135 tấn thịt các loại (tự cung ứng được khoảng 50%) và 265 nghìn quả trứng. 19 tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long mỗi ngày cung cấp 6.091 tấn thịt hơi (trong đó khoảng 4 nghìn tấn thịt lợn và 1.694 tấn thịt gà) và 19,2 triệu quả trứng gia cầm. Tổng cung hoàn toàn đáp ứng tổng cầu.

Tại khu vực phía Bắc, nhu cầu thực phẩm trong 1 tháng của Hà Nội cụ thể như sau: Thịt lợn cần 6,2 nghìn tấn (tự cung ứng được 94%), thịt gia cầm cần 6,2 nghìn tấn (tự cung ứng đủ nhu cầu), thịt trâu bò cần 5,4 nghìn tấn (tự cung ứng được 19%), thực phẩm chế biến cần 5,2 nghìn tấn (tự cung ứng được khoảng 19%), trứng gia cầm cần 124 triệu quả (tự cung ứng được 94%).

Hiện nay 12 tỉnh phía Bắc đều cung cấp đủ cho Hà Nội số thực phẩm còn thiếu hàng tháng (67 nghìn tấn thịt lợn từ 9 tỉnh, 6,7 nghìn tấn thịt trâu bò từ 8 tỉnh, 142 triệu quả trứng từ 7 tỉnh). Do đó, nguồn cung thực phẩm cho Hà Nội vẫn đảm bảo.

Chăn nuôi vẫn đảm bảo nguồn cung thịt lợn. Ảnh: Ng.Hanh

Nguồn cung thịt lợn Tết này không thiếu

Theo Bộ NNPTNT, sau khi giảm sâu xuống mức giá 35.000 đồng/kg, giá lợn hơi đã tăng trở lại và đã đạt mức trên 42.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang phấn khởi sản xuất, không có chuyện "bỏ chuồng". 

Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long - xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ: Nhờ chăn nuôi theo chuỗi và chủ động nguồn con giống và thức ăn cùng liên kết với hệ thống phân phối là các siêu thị nên cơ sở không chịu ảnh hưởng nhiều do đứt gãy cung cầu mà dịch COVID-19 gây ra. 

"Chăn nuôi theo chuỗi nên khi giá lợn giảm hợp tác xã cũng đã chủ động tạm dừng chưa bán để giảm thiệt hại. Đến thời điểm này, các chuồng nuôi lợn đã được lấp đầy" - ông Long nói. 

Ông Nguyễn Tuấn - chủ chuỗi chăn nuôi 22 nghìn con lợn tại Bình Thuận cũng khẳng định: Nguồn cung lợn thịt phục vụ Tết tại các trang trại và doanh nghiệp đã được chuẩn bị từ 3-4 tháng trước, nên hoàn toàn không có chuyện thiếu thịt lợn trong dịp Tết. Hiện nay giá lợn hơi tăng, giá thịt tại siêu thị giảm nên sức mua đã tăng trở lại.

“Chỉ có 1 yếu tố có thể làm thiếu thịt lợn Tết này là do bệnh dịch tả heo (lợn) châu Phi (ASF) khiến heo chết nhiều thì Tết mới thiếu thịt”- ông Tuấn khẳng định.

Bộ NNPTNT khẳng định, 6 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển với tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con (chiếm 23-24% đàn lợn thịt cả nước). Trong 9 tháng, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn. Tổng nhập khẩu 214 nghìn tấn thịt các loại, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước, nguồn cung thịt lợn trong nước rất dồi dào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn