MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuỗi bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam đang hình thành 3 "ông lớn" trên thị trường. Ảnh: Kỳ Bảo.

Các chuỗi bán lẻ: Mở nhanh - đóng chóng, chấp nhận “đốt tiền” để thử nghiệm

Thế Lâm LDO | 21/07/2022 13:33
Hoạt động kinh doanh của nhiều chuỗi bán lẻ trong 6 tháng qua với các gam màu sáng – tối đan xen. Song nhìn chung, doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế hồi phục, và thương mại, dịch vụ chính là một trong những lĩnh vực cho thấy sự sôi động nhất.

Vào tháng 1.2022, Thế Giới Di Động gây bất ngờ khi cùng lúc mở mới 5 chuỗi bán lẻ. Ngay tại thời điểm đó, không ít nhận định cho rằng Thế Giới Di Động "bạo phát" mở ra cùng lúc cũng rất dễ gặp rủi ro “bạo tàn”.

Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch của công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động – cho rằng: “Tôi nói với Hiểu Em (CEO của chuỗi Thế Giới Di Động) là cứ mở thử nghiệm, nếu không thành công thì coi như Thế Giới Di Động “đốt” 50 tỉ đồng”.

Khoảng 6 tháng sau thời điểm trên, Thế Giới Di Động tuyên bố đóng cửa mảng thời trang (cửa hàng riêng) và trang sức (ngành hàng trong shop in shop).

Cùng với đó, chuỗi Bách Hóa Xanh với số lượng cửa hàng đã nhân rộng lên hơn con số 2.000, nay cũng bắt đầu bị sàng lọc và đóng cửa hơn 300 cửa hàng, và còn có thể đóng thêm nữa.

Ngược lại, sau 5 tháng tính từ tháng 1.2022 Thế Giới Di Động phát triển chuỗi mẹ và bé lên 200 cửa hàng, chuỗi nhà thuốc An Khang lên 500 cửa hàng.

Trong khi chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động đang phải thu hẹp nhằm tái cấu trúc, Masan vẫn đang tiếp tục thúc đẩy mở rộng mô hình Mini Mall với mục tiêu đến năm 2025 đạt 30.000 điểm trong đó có 10.000 cửa hàng offline và 20.000 cửa hàng nhượng quyền có độ phủ địa lý 50% thị phần. Mô hình Mini Mall cung cấp tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm.

Ở lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, hiện đang diễn ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa Pharmacity, Long Châu và An Khang. Pharmacity đã cán mốc 1.000 cửa hàng, trong khi đó Long Châu đã vượt mốc 600 cửa hàng, còn An Khang vừa đạt 500 cửa hàng. Cả Long Châu và An Khang đều đang hướng đến mục tiêu đạt mốc 800 cửa hàng vào cuối năm 2022.

Cuộc đua của các chuỗi bán lẻ dược phẩm gần đây tăng tốc còn bởi lý do dung lượng thị trường không ngừng gia tăng. Theo một nghiên cứu công bố gần đây, dung lượng thị trường dược phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 7,7 tỉ USD và sẽ tăng lên 16,1 tỉ USD vào năm 2026.

Trong đó, cả 2 phân khúc thị trường là ETC (thuốc đấu thầu và bán trong bệnh viện) và OTC (thuốc bán trên thị trường tự do) đều tăng trưởng.

Đặc biệt là phân khúc dược phẩm đấu thầu vào hệ thống bệnh viện đang có động lực tăng trưởng mạnh mẽ khi độ phủ BHYT với mục tiêu phủ 95% dân số vào năm 2025.

Trong cuộc đua cạnh tranh quyết liệt mở rộng chuỗi cửa hàng dược phẩm, 3 “kỷ lục” đang chia đều cho 3 chuỗi: Pharmacity đang có số cửa hàng nhiều nhất, An Khang có tốc độ mở rộng chuỗi nhanh nhất và Long Châu là chuỗi duy nhất đã đạt đến điểm có lãi.

Cho dù đang có những khoảng cách nhất định nhưng mỗi chuỗi tạm thời đang có một ưu thế và tiềm lực khác nhau. Chính vì thế, những ưu thế tạm thời có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn