MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các địa phương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế

Vũ Long LDO | 26/09/2021 12:27

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương và doanh nghiệp sớm có kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ và cơ quan thường trực của Tổ công tác, để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp tổ chức sáng 26.9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP (NQ105) về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp (DN).

Các địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số. Đặc biệt, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới.

"Cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương và doanh nghiệp sớm có chính sách phục hồi kinh tế, ổn định sản xuất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, các địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng.

"Cần tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng DN" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp không thụ động "ngồi chờ"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp và các hiệp hội, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý, đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương, đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay.

"Càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ. Ví dụ như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn