MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm gốm tại Đồng Nai. Ảnh: Minh Châu

Các doanh nghiệp gốm ở Đồng Nai bất ngờ bị bỏ ưu đãi

HÀ ANH CHIẾN LDO | 09/10/2020 08:12
Để các doanh nghiệp gốm di dời vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hoà, Đồng Nai), tỉnh Đồng Nai có chính sách ưu đãi khi doanh nghiệp chỉ phải đóng 40% chi phí hạ tầng, 60% còn lại là do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay khi nhiều doanh nghiệp đã di dời và bắt đầu ổn định thì bất ngờ nhận được thông báo phải đóng 100% chi phí hạ tầng, với mức ít nhất gần hơn 3 tỉ đồng, nhiều nhất là gần 20 tỉ đồng.

Doanh nghiệp gặp khó

Nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng ở tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là gốm đất đen. Nhưng đến nay, làng nghề này đang ngày càng mai một, các nghệ nhân và người làm gốm ngày càng ít đi. Do đó, nhằm hỗ trợ di dời, bảo tồn, phát triển các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn TP.Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định số 62 - năm 2016 hỗ trợ các doanh nghiệp di dời sang cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Trong đó, quy định ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạ tầng, 40% còn lại do các doanh nghiệp đóng góp và được thanh toán trong vòng 5 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất gốm còn được nhiều ưu đãi về tiền thuê đất…

Tuy nhiên, đến tháng 2.2020, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định về việc bãi bỏ một số văn bản do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, trong đó có Quyết định số 62. Sau đó, UBND TP.Biên Hòa gửi thông báo đến các doanh nghiệp về việc phải nộp 100% chi phí hạ tầng một lần.

Theo đó, tùy diện tích thuê đất trong cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, các doanh nghiệp phải đóng ít nhất là hơn 3 tỉ đồng, nhiều nhất là gần 20 tỉ đồng. Trước việc bất ngờ nhận thông báo phải đóng 100% tiền hạ tầng một lần, thông qua Hiệp Hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, các doanh nghiệp đã “kêu cứu” UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng liên quan vì không có khả năng chi trả.

Ông Vòng Khiềng - Tổng Thư ký Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: Từ năm 2003 tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn nghề gốm truyền thống. Cả một thời gian dài phải chờ đợi di dời, trải qua nhiều thủ tục, hơn 60% doanh nghiệp, cơ sở gốm đã đóng cửa, hiện chỉ còn khoảng 30 đơn vị đam mê nghề gốm truyền thống cố gắng bám trụ lại, di dời sang nơi mới, đầu tư sản xuất. Dựa vào những chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Đồng Nai trong quyết định 62, nhiều doanh nghiệp đã vay mượn đầu tư xây dựng nhà xưởng để “sống với nghề” thì bất ngờ nhận được thông báo phải đóng 100% tiền hạ tầng. Các doanh nghiệp bức xúc nên nhờ Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai vào cuộc vì các doanh nghiệp đã “cạn tiền” đầu tư ban đầu vào xây dựng nhà xưởng, không có khả năng đóng chi phí hạ tầng một lần.

Gặp khó trong bảo tồn nghề gốm sứ truyền thống

Một chủ doanh nghiệp gốm (xin được giấu tên) chia sẻ: Công ty cũng vừa mới bắt đầu vào hoạt động trong cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc khoảng 30 tỉ đồng, sản xuất sản phẩm gốm để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Sau bước đầu ổn định, mở rộng sản xuất, thì doanh nghiệp bất ngờ nhận thông báo của UBND TP.Biên Hòa về việc phải đóng số tiền khoảng 6-7 tỉ đồng đầu tư hạ tầng.

“Chúng tôi đã phải vay mượn khắp nơi để đầu tư xây dựng nhà xưởng máy móc phát triển nghề gốm sứ, vừa di dời vào cụm công nghiệp chưa được bao lâu, hiệu quả chưa là bao. Hiện tại chúng tôi không đủ khả năng đóng số tiền chi phí hạ tầng rất lớn và phải đóng một lần” - chủ doanh nghiệp gốm chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng chia sẻ, do vừa di dời vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh xây dựng nhà xưởng, lại bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, đơn hàng giảm mạnh, nay lại nhận thông báo phải nộp tiền đầu tư hạ tầng một lần với số tiền lớn, khiến doanh nghiệp không đủ khả năng.

Ông Vòng Khiềng cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét “có lý có tình”, vì cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh lập ra cũng là để thực hiện đề án bảo tồn phát triển nghề gốm sứ truyền thống của tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, còn hàng trăm người lao động là các thợ gốm lành nghề cũng đang sống bằng nghề, gìn giữ nét văn hoá truyền thống lâu đời của tỉnh Đồng Nai.

Theo Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, sau khi tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND TP.Biên Hòa xem xét nội dung đề nghị. Từ đó, thống nhất ý kiến, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn